Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
LẦN ĐẦU TIÊN VIỆT NAM DỰ BÁO TRIỂN VỌNG NGÀNH HÀNG
26 | 09 | 2007
Những ngày cuối tháng 3, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa thông tin xung quanh sự kiện Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Triển vọng thị trường và chất lượng cà phê 2007”, hội thảo dự báo phát triển ngành hàng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Báo Nhân dân ra ngày 28 tháng 3 năm 2007 đăng tải thông tin về nội dung, thời điểm, mục đích của cuộc Hội thảo. Trên trang nhất Báo nông nghiệp Việt Nam số ra cùng ngày, đăng tải bài viết “Hướng đi mới cho giám sát cung cà phê ở Việt Nam”, cho thấy ý nghĩa to lớn của hoạt động này, mở ra một hướng mới trong công tác phân tích, dự báo thông tin và nếu thành công, Bộ NN&PTNT sẽ được tổ chức hàng năm cho một số mặt hàng nông sản chính. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 29,30/3 tại Hà Nội.

Hội thảo dành cả ngày 29/3 các chuyên gia quốc tế đến từ Brazil, Hoa Kỳ, Úc và các chuyên

gia ngành hàng cà phê trong nước và trình bày các tham luận về thị trường cà phê thế giới, chất lượng cà phê và chính sách cà phê ở Việt Nam.

Ngay trong ngày 29/3, Đài truyền hình Việt Nam, nhiều tờ báo điện tử lớn như Tuổi trẻ, Vietnam Net đã phát sóng và đăng tải phóng sự, bài viết ghi nhận của phóng viên từ Hội thảo, về những vấn đề chất lượng cà phê và chính sách ngành hàng cà phê ở Việt Nam.

Ngày 30/3, phiên họp buổi sáng tập trung vào các nội dung phân tích và dự báo triển vọng thị trường cà phê Việt Nam, các chuyên gia ngành hàng cà phê trình bày các báo cáo Phân tích và dự báo cung cà phê ngắn hạn, dài hạn, Tổng quan cầu cà phê Việt Nam và vấn đề kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa. Các chuyên gia ngành hàng cà phê đến từ ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sơn La cũng trình bày Dự báo cà phê của tỉnh. Đây là hội thảo dự báo ngành hàng đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, có ý nghĩa vai trò quan trọng tới công tác hoạch định chính sách phát triển ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng thu hút gần 600 nghìn lao động tham gia.

Ban tổ chức dành riêng một phiên họp gần 3 tiếng đồng hồ chiều ngày 30/3 để tổ chức Toạ đàm giữa các đại biểu và các nhà nghiên cứu chính sách, nghiên cứu thị trường, các nhà khoa học, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong khâu trồng trọt, các thách thức và khó khăn được các đại biểu đề cập như vấn đề diện tích trồng cà phê quy mô hộ manh mún, vấn đề tại sao Việt Nam chưa đẩy mạnh trồng cà phê chè (Arabica), loại cà phê cho lợi nhuận nhiều mà Braxin đang trồng, và nếu triển khai thì cách thức như thế nào, nguyên nhân và giải pháp về tình trạng cà phê Việt Nam xuất khẩu bị thải loại do chất lượng không đảm bảo. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, có 4 vấn đề liên quan đến thách thức và khó khăn đối với doanh nghiệp trong ngành hàng đó là xây dựng thương hiệu, xây dựng hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, vấn đề tổ chức thị trường, và vai trò thúc đẩy của Nhà nước. Những trở ngại và hạn chế đối với vấn đề thống kê và dự báo cung cà phê cũng được đại biểu đến từ các tỉnh đề cập nhiều nạn phá rừng, tình trạng khai báo sai lệch giữa diện tích trồng cà phê thực và diện tích khai báo trên giấy tờ sử dụng đất của người dân…

Các đại diện trong ban cung cấp thông tin, Ông Đặng Kim Sơn-Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT, Bà Phạm Chi Lan-Nghiên cứu viên cao cấp kinh tế, Ông Đoàn Triệu Nhạn-Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao, Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN, Ông Nguyễn Văn Thiết-Utz Kapeh Việt Nam, Ông Trần Sinh - Giám đốc R&D tập đoàn Trung Nguyên, Ông Jonathan Clark-Công ty cà phê Dakman đã lắng nghe các ý kiến và trao đổi cởi mở, thẳng thắn với các đại biểu tham gia toạ đàm. Nội dung chi tiết về buổi toạ đàm sẽ sớm được cung cấp tới độc giả quan tâm trên trang web www.ipsard.gov.vn.

Hội thảo Dự báo triển vọng thị trường và chất lượng cà phê 2007 kết thúc sau 2 ngày làm việc, đã giúp chuyển tải những thông tin dự báo và phân tích cập nhật, chính xác về cung, cầu cà phê và chính sách phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam, được các đại biểu tham gia đánh giá cao.



Agroinfo
Báo cáo phân tích thị trường