Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê: Cần bắt buộc kiểm định chất lượng
07 | 10 | 2007
Một con số đáng quan tâm, song sự thực lại không giống như một số báo cáo khi cho rằng, có đến 88% lượng cà phê bị thải loại trên thị trường thế giới trong các tháng qua là của VN.

Minh oan cho cà phê

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê cacao VN (Vicofa) - ông Đoàn Triệu Nhạn phân trần, thông tin này hoàn toàn chính xác, nhưng dường như việc trích dẫn và sử dụng thông tin thiếu đầy đủ đang gây nên một hiểu lầm rất lớn.

Vicofa một lần nữa khẳng định, có đến 88% lượng cà phê bị thải loại trên thị trường thế giới trong các tháng 10.2005-3.2006 là của VN và tăng đến 19% so với một năm trước đó.

"Song nếu so sánh lượng cà phê bị thải loại với tổng lượng cà phê xuất khẩu của VN trong cùng thời gian sẽ có một cách đánh giá hoàn toàn khác" - ông Đoàn Triệu Nhạn cho rằng, lượng cà phê bị thải loại của VN quá lớn bắt nguồn từ phương thức xuất khẩu cà phê của các DN trong nước.

Mặc dù là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng khác với Brazil, Columbia hay một số nước khác, các DN trong nước phần lớn đều xuất khẩu theo phương thức cà phê "sô" không phân loại hay phân loại đơn giản. Người mua, các nhà nhập khẩu sau đó sẽ tiến hành phân loại cà phê theo các thứ bậc tiêu chuẩn thế giới như loại I, loại II hay loại III.

Việc phân loại chi tiết cà phê chỉ được tiến hành sau khi nhập khẩu, khiến lượng cà phê bị thải loại càng nhiều và điều này giải thích vì sao lượng cà phê của VN bị thải loại với số lượng lớn.

Vì sao không phân loại trước khi xuất?

Chủ tịch Nhạn cho rằng có nhiều lý do khiến các DN trong nước không tiến hành phân loại cà phê một cách chi tiết trước khi xuất khẩu. Ngoài một số lý do về chi phí phân loại, chi phí đầu tư dây chuyền sàng chọn hạt cà phê, các DN trong nước "thích" bán "sô" hơn còn bởi lý do dễ bán.

Một yếu tố khác, các nhà nhập khẩu lại có lãi hơn khi nhập cà phê dưới dạng này dù phải gánh thêm các chi phí sàng và phân loại. Nhiều DN trong nước đưa lý do, nếu tính thêm chi phí sàng phân loại, mỗi tấn cà phê sẽ đắt hơn khoảng 40 USD.

"Người mua chấp thuận và người bán được dễ dàng thì không có lý do gì không duy trì phương thức xuất khẩu này. Song về lâu dài, cần phải xem lại nhằm nâng cao chất lượng cũng như uy tín của cà phê VN" - Chủ tịch Đoàn Triệu Nhạn đưa ý kiến, cần sớm có quy chế bắt buộc đối với việc kiểm định chất lượng cà phê xuất khẩu cũng như cấp giấy chứng nhận trước khi cho phép xuất khẩu cà phê.

Nhiều bộ ngành liên quan cũng đang bàn đến việc có nên đưa cà phê vào danh sách các mặt hàng buộc phải kiểm định tiêu chuẩn chất lượng hay phải có giấy chứng nhận chất lượng trước khi xuất khẩu hay không. Việc này dường như rất dễ dàng, bởi đối với cà phê vối, bộ tiêu chuẩn của VN đang được thế giới chọn sử dụng như bộ tiêu chuẩn chung.

Ông Đoàn Triệu Nhạn khẳng định, việc phân loại chi tiết trước khi xuất khẩu sẽ nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của cà phê VN, đồng thời không ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu hàng năm.

Song rõ ràng các quy định bắt buộc như đề xuất trên cần được làm dần dần, làm từng bước và có một lộ trình cụ thể. Việc kiểm định cũng như cấp chứng nhận, do đó cũng phải được giao cho một cơ quan có đủ chức năng và quyền hạn.

Trong khi đó theo nguồn tin Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu cà phê của VN trong năm nay có khả năng đạt đến 950 triệu USD và tăng khoảng 5% so với năm 2005. Hơn nữa, giá xuất khẩu cà phê của VN từ đầu tháng 11 đang bám sát giá thế giới và hiện chỉ thấp hơn 20 USD/tấn so với giá giao dịch tại thị trường London.

 



(Nguồn tin: Lao Động)
Báo cáo phân tích thị trường