Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Trị : Đắng nghét... mía đường!
23 | 07 | 2008
Cũng giống như “người bạn láng giềng Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế”, dự án mía đường của Quảng Trị bể nhưng “cục nợ” ngân hàng thì đeo đẳng người dân mỗi ngày càng nặng thêm...
Trong cơn lốc của mía đường, năm 1995, Dự án phát triển Nhà máy đường và xây dựng vùng nguyên liệu mía 8.000 hécta của tỉnh Quảng Trị ra đời tại 8 xã áp sông Sêpôn là Thuận, Thanh, Xi, Xing, A Túc, A Dơi, Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo của huyện miền núi Hướng Hóa với tổng nguồn vốn đầu tư 44,308 tỷ đồng (ngân sách 14,432 tỷ, vốn tự có 2,286 tỷ, vốn vay ưu đãi 27,59 tỷ).

Trong đó xã Thuận và Tân Long được chọn làm trung tâm của vùng nguyên liệu. Vì vậy, từ 30/6/1995, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa bắt đầu giải ngân vốn vay cho 189 hộ dân của 3 dân tộc anh em Vân Kiều, Pa Kô, Kinh ở 2 xã Thuận, Tân Long với tổng số tiền 1,203 tỷ đồng để bà con đầu tư trồng mía.

Hình thức cho vay “dao động trong khung” 1 triệu đồng (hộ vay thấp nhất) đến 10 triệu (hộ được vay cao nhất) với thời hạn 8 năm, hoàn trả cả gốc và lãi vào năm thứ 11 kể từ khi vay, nhưng ngân hàng không giao bằng tiền mặt mà cho bà con nông dân định giá bằng tiền công khai hoang đất đồi, tiền mua giống, mua phân bón..., và tuỳ mức độ diện tích đất của từng hộ mà trị giá tiền vay được nhiều hay ít.

Lúc dự án mới triển khai, cả một miền biên giới Thuận, Tân Long bừng sáng háo hức trong mỗi nếp nhà, trên những khuôn mặt với kỳ vọng cây mía là “vị cứu tinh” giúp họ thoát nghèo.

Song “niềm vui chẳng được tày gang”, chưa đầy một năm sau, tỉnh hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy mía đường công nghiệp, mà người dân thì “đã lỡ” vay tiền ngân hàng để trồng mía rồi! Cũng giống như “người bạn láng giềng Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế”, dự án mía đường của Quảng Trị bể nhưng “cục nợ” ngân hàng thì đeo đẳng người dân mỗi ngày càng nặng thêm.

Giữa tháng 7/2008 này, sau 13 năm kể từ ngày hừng hực tràn trề nhựa khí vạt đồi trồng mía là cảnh đìu hiu buồn bã bởi không khí nợ nần phủ trùm trong nhiều hộ gia đình ở Thuận, ở Tân Long. Anh Hồ Văn Diên (43 tuổi nhưng mới nhìn cứ ngỡ đã ngoài 60) ở xã Thuận vay ngân hàng 5 triệu đồng trồng mía.

Sau ngày dự án phá sản, đôi ba lần cán bộ ngân hàng đến đòi nợ, song nhà anh kiếm miếng ăn qua bữa cho 11 “cái tàu há mồm” đã khó, huống chi nói đến chuyện trả nợ. Năm 1995, anh Hồ A Tày (xã Thuận) vay ngân hàng 9 triệu đồng, tới giờ (19/7/2008) vẫn chưa trả nợ được đồng nào.

Lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay món nợ vay đã là 20 triệu đồng. Gia cảnh anh Tày khổ “hơn cả chị Dậu” nên khả năng trả nợ ngân hàng là điều không tưởng! Và còn nhiều gia đình đang đắng nghét vì mía đường như thế ở Thuận, ở Tân Long này...

Đến nay, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa, bà con mới trả được món nợ cây mía 56 triệu đồng. Từ năm 1999-2003, ngân hàng đã khoanh nợ cho bà con trong vòng 5 năm không phải trả lãi suất. Và, ngân hàng chủ trương vận động đồng bào từng bước trả khoản nợ gốc, còn số tiền lãi thì tỉnh đang có hướng... xem xét (!?).

Thế mới thấy, xây dựng dự án bằng kiểu “bốc đồng”, “chạy theo phong trào” thì rốt cuộc người dân nợ “ngập đầu” vì... dự án.





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường