Mùa xuất khẩu gạo 2009 bắt đầu sôi động. Nhà nông vì được một số nhà khoa học và cơ quan quản lý chuyên ngành nhận định "làm lúa lãi 30 - 40%" nên rất ngóng chờ mùa mới.
Các nhà XK gạo chuyên nghiệp cũng háo hức "vào trận chiến" mới. Nhưng rất nhiều người tỏ ra khá thận trọng.
Vụ lúa đông - xuân 2008 - 2009 tại ĐBSCL đã thu hoạch hơn 500.000 ha trong tổng diện tích gieo sạ 1,2 triệu ha, năng khá cao và thu hoạch đang rất thuận lợi. Đến giữa tháng 3 này, tỉnh Kiên Giang đã được thu hoạch 117.000 ha trên tổng diện tích gieo sạ 277.000 ha, với năng suất hơn 6 tấn/ha, giá lúa tại ruộng xấp xỉ 4.000 đ/kg khiến bà con nông dân rất phấn khởi.
Theo Bộ NN-TNT đưa ra nhiều đánh giá, nhận định về năng suất, chất lượng và sản lượng và cả những dự hướng an ninh lương thực lạc quan. Tính đến nay, các DN cả nước đã ký hợp đồng XK 3,7 triệu tấn gạo và đã thực xuất 1,145 triệu tấn, thu về hơn 454,9 triệu USD, giá bình quân gần 398 USD/tấn.
Có thể thấy cả về số lượng XK, giá XK và điều kiện thị trường thì hạt gạo VN đang rất thuận lợi. Tuy nhiên, cung cách điều hành xuất khẩu, như nhiều năm đã qua, vẫn... như cũ.
VFA có 104 DN hội viên nhưng rất nhiều hội viên trong đó "trông đỏ con mắt mới xuất được ít gạo". Mới đây, VTV đặt ra một câu hỏi lớn: Kịch bản nào cho XK gạo 2009 ? Đó là vì xuất phát từ cú đình đốn tháng 4/2008 khiến việc XK gạo mất cơ hội ngàn vàng.
Còn việc điều tiết ký hợp đồng, phân bổ "quota" xuất gạo lại là chuyện khác. Kết quả xuất khẩu gạo năm 2008, theo số liệu của VFA: cả nước đạt 4.679.050 tấn, trị giá FOB đạt 2,663 tỷ USD. Đây là một kết quả "nhọc nhằn" sau một năm XK đầy sóng gió. Lẽ ra, các DN có thể làm được nhiều hơn và đỡ "ồn ào", bàn tán như đã diễn ra. Nhưng chưa có cuộc bàn thảo đến nơi, đến chốn về vướng mắc này.
Một chủ DN chuyên kinh doanh chế biến và XK gạo ĐBSCL cũng là hội viên VFA, thắc mắc: Công ty tôi có năng lực chế biến và XK cả triệu tấn/năm nhưng muốn ký hợp đồng và XK gạo cũng không đơn giản. "Từ đầu năm tới giờ, DN tôi mới chỉ được "cho phép xuất" 1.000 tấn gạo", ông nói.
Cùng cảnh ngộ, một TGĐ khác cho biết: DN có 4 nhà máy chế biến với năng lực kho chứa 25.000 tấn, có thừa năng lực XK mỗi năm 70.000 tấn nhưng cũng mới chỉ được xuất... vài ngàn tấn.
Nhiều GĐ công ty chỉ biết "ngồi nhìn" cơ hội đến rồi đi mà than trời... vì đổ tiền bạc ra đầu tư nhà máy, kho bãi rồi đủ thứ lo toan như thuê công nhân, lao động tại chỗ... nhưng không xuất được gạo thì nuôi cá "giết" thì giờ...
Gặp lúc cá mất giá (một quan chức Hiệp hội Thủy sản đã phải "cay đắng từ giã" cái nghề "muốn giàu nuôi cá" từ khi nghỉ hưu đi đâu không ai biết) từ đại gia đến nông dân ngắn vốn đều cười "méo xẹo".
Khi hỏi qua chương trình giãn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất... không GĐ nào muốn bàn. Vì theo các ông: Thủ tục không dễ "ăn", thời hạn vay quá ngắn. Đã lún vì việc sản xuất, kinh doanh gạo, cá nên không muốn lún thêm.