Ngày 9/3/2011, VASEP đã gửi công văn số 22/2011/CV-VASEP đến Tổng cục Thủy Sản kiến nghị có ngay các biện pháp ngăn chặn việc các lô tôm XK bị nhiễm kháng sinh này ngay từ khâu nuôi và phòng ngừa việc Nhật Bản sẽ nâng mức kiểm tra các lô hàng lên 100%.
Mặc dù vậy, cho tới nay các sản phẩm có chứa enrofloxacin vẫn đang được sử dụng tại các vùng nuôi tôm nguyên liệu và điều đáng lo là do thói quen, người nuôi chỉ ngưng sử dụng thuốc khi chuẩn bị thu hoạch trong khi các nghiên cứu cho thấy thời gian tồn lưu của hoá chất này trong tôm và môi trường kéo dài ít nhất 2 tuần kể từ ngày ngưng sử dụng.
Đầu tháng 6 này, hệ thống cảnh báo NK của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thông báo phát hiện 2 lô tôm NK từ Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, trong đó 1 lô bị nhiễm enrofloxacin với nồng độ 0,03 ppm. Cho đến nay, Nhật Bản đã kiểm tra 100% các lô hàng tôm NK từ Việt Nam đối với trifluralin và 30% đối với enrofloxacin.
Theo quy định về kiểm soát NK của Nhật Bản, nếu chỉ thêm 1 lô tôm của Việt Nam bị phát hiện có dư lượng enrofloxacin thì hệ thống sẽ tự động nâng mức kiểm soát chỉ tiêu này lên 100%.
Nhiều DN XK tôm đang rất lo ngại vì hiện nay theo quy định của Nhật Bản, mức dư lượng enrofloxacin (bao gồm cả chất chuyển hóa ciprofloxacin) trong sản phẩm thủy sản được quy định là không phát hiện. Phương pháp phân tích được quy định là HPLC (có giới hạn phát hiện enrofloxacin/ciprofloxacin là 0,01 mg/kg), trong khi tại Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 của Bộ NN và PTNT ban hành Danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng vẫn có tên enrofloxacin trong Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong kinh doanh, sản xuất thủy sản với hàm lượng giới hạn là 0,1ppm. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN vì khó kiểm soát được đầu vào hoặc gây thiệt hại lớn cho DN khi phải đầu tư quá lớn vào khâu tự kiểm.
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là thị trường lớn nhất NK tôm của Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn này, DN tôm Việt Nam đã và đang rất vất vả để cạnh tranh với các nước xung quanh nhằm giữ lòng tin từ thị phần này. Tuy nhiên, các chất kháng sinh cấm trong thời gian gần đây chủ yếu lại xuất phát từ khâu nuôi. Nhiều DN phản ánh rằng chi phí kiểm quá lớn khiến họ không đủ sức để tiếp tục theo đuổi thị trường này.
Các DN XK tôm sang thị trường Nhật Bản đang cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.
Theo Vasep