Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
81 lô hàng thủy sản của VN xuất sang Nhật bị cảnh báo dư lượng kháng sinh
16 | 09 | 2011
Số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol, Nitrofuran và Trifluralin giảm đáng kể, tuy nhiên số lô hàng bị nhiễm Enrofloxacin lại có chiều hướng tăng mạnh.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật Bản cho thấy, từ đầu năm tới ngày 13/9/2011, đã có 81 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật bị cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, trong đó nhiều nhất là các lô tôm.

Số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol và Nitrofuran giảm đáng kể, chỉ có 6 lô nhiễm Chloramphenicol và 3 lô nhiễm Nitrofuran.

Số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Trifluralin cũng đang có xu hướng giảm dần. Từ đầu năm đến nay, có 26 lô bị nhiễm Trifluralin nhưng nhìn chung, số lô hàng bị cảnh báo trong vài tháng gần đây đã giảm và đặc biệt là không có lô hàng nào bị nhiễm Trifluralin trong tháng 7 và chỉ có 1 lô bị nhiễm trong tháng 8. Điều đó cho thấy chúng ta đã kiểm soát tốt hơn các chất Chloramphenicol, Nitrofuran và Trifluralin trong thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin lại có chiều hướng tăng, cụ thể tháng 8 có 7/12 lô hàng bị cảnh báo và trong nửa đầu tháng 9 có 4/5 lô hàng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật cũng như Cục Quản lý Chất lượng Nộng Lâm sản và Thủy sản đã duy trì kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, có một thực tế là công tác kiểm soát thành phẩm sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề nhiễm kháng sinh, nhất là với Enrofloxacin, khi mà các cơ sở nuôi tôm vẫn còn sử dụng chất phổ biến này để điều trị bệnh gan ở tôm nuôi, nhất là tôm chất trắng. Theo quy định, hiện Enrofloxacin không phải là kháng sinh bị cấm sử dụng mà chỉ bị hạn chế, nên rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất này trước khi thu hoạch tôm nuôi gần như là bất khả thi đối với các doanh nghiệp.

Ngày 13/9/2011, Vasep đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm có biện pháp triệt để cấm sử dụng Enrofloxacin trong nuôi tôm, và hướng dẫn chất thay thế để đảm bảo ngăn chặn từ gốc và tránh thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm nhằm giữ vững thị trường Nhật Bản đối với xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ngành tôm có nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường