Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật: Có dấu hiệu phục hồi
13 | 12 | 2007
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu tôm, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu để có thể điều tiết giá cả và cân đối cung cầu cho phù hợp.

Đã có lúc thủy sản Việt Nam tưởng như sắp mất trắng thị trường Nhật.

Các DN chế biến và XK thủy sản vào Nhật sát cánh chặt chẽ để tìm ra giải pháp.

Giá chào bán mặt hàng tôm tại Nhật Bản đang duy trì ở mức cao.

Từ cuối năm 2006, Nhật Bản đã thay đổi chính sách kiểm soát dư lượng kháng sinh khiến nhiều lô hàng thủy sản XK sang thị trường này bị từ chối hoặc bị trả lại do phát hiện chứa dư lượng kháng sinh cao hơn giới hạn cho phép theo qui định mới, đặc biệt là các lô hàng phải qua chế độ kiểm tra tăng cường. Với những chính sách đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng nề. Rất nhiều lô hàng của Việt Nam bị trả về, các sản phẩm luôn nằm trong sự cảnh báo ở mức cao. Kim ngạch XK thủy sản sang Nhật bị giảm sút nghiêm trọng. Nhất là thời điểm quí II/2007, hàng thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị mất trắng thị trường XK hàng đầu. 8 tháng đầu năm, XK tôm sang thị trường này đạt 32.471 tấn, trị giá 280,4 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và 21% về giá trị. Tỉ trọng NK tôm từ Việt Nam của Nhật chỉ đạt 30,7%.

Trước nguy cơ này, Bộ NN & PTNT cùng các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh quản lý mua bán và sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với nguyên liệu. Hàng loạt các quyết định, văn bản đã được đưa ra nhằm áp dụng cấp bách các biện pháp kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản XK vào Nhật. Cụ thể, những DN đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN & PTNT) mới được phép XK vào Nhật. Những DN này phải thực hiện kiểm tra chứng nhận nhà nước về dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu và sản phẩm phối chế từ các loại nguyên liệu thủy sản nêu trên trước khi XK vào Nhật.

Điều đáng nói, sau nhiều lần bị cảnh báo, các DN chế biến và XK thủy sản Việt Nam đã có những buổi gặp gỡ, thảo luận và đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ có lô hàng không bảo đảm ATTP, tự chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình và trước lợi ích của cả cộng đồng… Mặt khác, các cơ quan quản lý, thương vụ Việt Nam ở Nhật Bản cũng đã có những tác động tích cực tới các cơ quan quản lý chất lượng của nước bạn. Phía Nhật Bản đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng thủy sản khi XK. Vì vậy, XK thủy sản hiện bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), thì tín hiệu khả quan này mới dừng lại ở việc “hãm” lại tốc độ sụt giảm kim ngạch XK so với những tháng trước đây. Tỉ trọng các lô hàng bị phát hiện giảm từ 4,6% trong 6 tháng cuối năm 2006 xuống còn 1,6% trong 6 tháng đầu năm 2007. Sang tháng 7/2007 chỉ còn 0,75% lô hàng (gồm 1.204 lô tôm và mực, chỉ có 9 lô bị cảnh báo) và tháng 8, khối lượng XK tăng cao hơn và tỉ lệ lô hàng bị nhiễm chỉ chiếm khoảng 0,5% (4 lô).

9 tháng đầu năm 2007, XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 84.117 tấn, trị giá 525,6 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2006. Từ tháng 10/2007, khi Nhậ Bản muốn khôi phục và tăng cường lượng tôm dự trữ thì các nhà cung cấp lớn như Inđônêxia và Việt Nam lại không có nhiều tôm để bán với giá mà các nhà NK Nhật mong muốn.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường