“Nhưng chúng tôi đang đề nghị ngân hàng tăng hạn mức tín dụng thêm 520 tỉ đồng. Vì hạn mức chỉ 80 tỉ đồng như vừa qua không đủ để Nam Việt thu mua 40.000 tấn cá, nên chúng tôi buộc phải chi bổ sung từ Quỹ Đầu tư của công ty để thu mua đủ số lượng cam kết”, một cán bộ của Công ty này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cá ở ĐBSCL cũng có dấu hiệu tăng tốc độ thu mua, tùy thuộc vào nguồn vốn có được. Nhờ vậy, hiện nay giá cá đã vào khoảng 14.800 đồng/ki lô gam, tăng trên dưới 1.000 đồng so tuần trước.
Hiện nay, theo ông Võ Thành Khôn, Giám đốc Kế hoạch của Công ty Thủy sản Bình An, tùy vào qui cách chế biến mà giá xuất cá có thể đạt từ 2,8 - 3,2 đô la Mỹ/ki lô gam. Trong khi theo thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, giá cá da trơn xuất khẩu bình quân chỉ đạt 2,33 đô la Mỹ/ki lô gam; còn trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 2,27 đô la Mỹ). Do đó, sau khi ngân hàng chính thức “bơm” vốn thì giá cá nguyên liệu tăng lên cũng là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong4 tháng đầu năm sản phẩm cá da trơn đã tăng 38,5% về sản lượng xuất khẩu nhưng chỉ có thể tăng 25,2% về giá trị so cùng kỳ. Các nước châu Âu vẫn là thị trường chính, chiếm tỉ lệ 42,5% về giá trị xuất khẩu, nhưng tốc độ tăng đã giảm so với năm 2007.
Dù một số thị trường mới phát triển có mức tăng đáng kể - như Mêhico tăng 135% về sản lượng và 116% về giá trị - nhưng điều đáng lo ngại là lần đầu tiên trong bốn năm qua, đã có xu hướng giảm tại Ba Lan (giảm 46,6% về sản lượng và 50,6% về giá trị), Singapore (giảm 10,5% về sản lượng và 5,9% về giá trị), Trung Quốc và Hồng Kông (giảm 1,5% về sản lượng và 18,3% về giá trị).