Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 1 năm sau WTO: Ngành công nghiệp gỗ vẫn ’bối rối’
28 | 02 | 2008
Năm đầu tiên sau khi chính thức gia nhập WTO, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của VN đạt 2,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2006. Đồ gỗ đứng thứ 5 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, song VN vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80%.


Tăng trưởng nhanh

Với mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình 50%/năm, từ năm 2000 đến nay, đồ gỗ VN hiện có thị trường rộng lớn đến 120 quốc gia, chủ yếu là Mỹ, Nhật, Úc, Hàn và các nước EU.
Trong đó riêng thị trường Mỹ, VN hiện đứng thứ 6 về xuất khẩu đồ gỗ vào nước này khi kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng mạnh. Từ 115,46 triệu USD năm 2003, đã lên 900 triệu USD năm 2007.

Trước nhu cầu về gỗ và các sản phẩm gỗ toàn thế giới tiếp tục tăng cùng các lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh, thị trường và tốc độ phát triển sẵn có, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN tin tưởng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ đến 2010 sẽ tăng đều với tốc độ trung bình hơn 30%/năm.

Theo ông Quyền, trong hội nhập và cạnh tranh quyết liệt với thế giới, 2 vấn đề “đáng lo” nhất của sản xuất và chế biến gỗ nước ta hiện là thương hiệu và sản phẩm chất lượng cao.

Bởi lẽ, không có thương hiệu tốt, chúng ta sẽ mất cơ hội xuất khẩu trong khi 90% doanh nghiệp trong nước đang tập trung vào hướng này để thu ngoại tệ. Đồng thời khi nhu cầu của thị trường nội địa ngày càng đi lên, không có sản phẩm chất lượng cao, chúng ta sẽ chật vật ngay trên sân nhà, chứ chưa nói tới thị trường thế giới.

Nhưng thiếu bền vững!

Đối với nhiều doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, nỗi “ám ảnh” lớn nhất lúc này của ngành công nghiệp gỗ nước ta không phải là thương hiệu mà chính là nguyên liệu.

Theo ông Heiko Woerner - Cố vấn trưởng Hợp phần 2, Chương trình Lâm nghiệp Việt Đức, tính theo giá trị, đồ gỗ chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất nhưng tính theo khối lượng, VN vẫn là nhà nhập khẩu hầu như toàn bộ nguyên liệu gỗ.

Với tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng để sản xuất là 4,49 triệu ha, năm 2006, chúng ta chỉ khai thác được 3,23 triệu m3 (trong đó trên 3,11 triệu ha của rừng tự nhiên, chỉ được phép khai thác 230.000 m3). Mà nhu cầu nguyên liệu gỗ cho cả thị trường trong nước và chế biến đồ gỗ xuất khẩu đến năm 2010 là 11 - 12 triệu m3, thì nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được từ 20 - 30%.

Điều này đang và sẽ là nguy cơ ngăn cản sự phát triển và lợi nhuận của các doanh nghiệp nói riêng và ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ nước ta nói chung.

Một thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, nếu giá trị xuất khẩu đồ gỗ năm 2006 của nước ta đạt gần 2 tỷ USD thì riêng chi phí cho nhập khẩu gỗ đã mất 720 triệu USD.

Bất ổn!

“Chúng ta đang trong tình trạng là ngành chế biến nhưng nguyên liệu lại nhập khẩu. Quy trình như vậy mới nghe đã thấy không ổn rồi. Lợi thế về nhân công giá rẻ, chi phí sản xuất, quản lý thấp… sẽ mất đi nhanh chóng khi toàn cầu hoá” - ông Võ Trường Thành - Tổng GĐ Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành khẳng định.

Bằng thực tế kinh doanh, ông Thành cho hay: giá bán 1m3 gỗ tại Nam Mỹ dao động từ 70 - 80 USD nhưng vận chuyển về VN, con số này phải lên 200 USD/khối. Do đó, giá bán 1m3 gỗ của nông dân và các tổ chức trồng được tại VN cũng đội lên 180 USD/khối.

Chi phí nguyên liệu chiếm 50% giá thành sản phẩm, với tình hình giá nguyên liệu gỗ trên thế giới tăng từ 10 – 15%/năm, các chủ doanh nghiệp như ông chỉ mỗi lần nghe dầu thô lên giá là đã lo rồi.

“Doanh nghiệp đồ gỗ VN sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới. Chúng ta phải chấp nhận thực tế này vì muốn duy trì tốc độ phát triển 30%/năm như trước, không còn kịp nữa” – vị Tổng GĐ dự đoán dựa trên những khó khăn về giá nguyên liệu, sự khủng hoảng của thị trường địa ốc Mỹ cũng như sự xuống giá của đồng đôla.

Từ việc quy hoạch nguồn nguyên liệu gỗ trong nước bất cập, gỗ rừng trồng đa số là ngắn ngày, chưa xây dựng được các khu rừng cấp chứng chỉ và chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng trên sản phẩm trong tổng số 2.000 doanh nghiệp, ông Minh Anh – Phó Vụ trưởng UB Quốc gia về Hợp tác Kinh tế vẫn đặt ra câu hỏi sau hơn 1 năm nước ta ra nhập WTO: “Ngành gỗ VN hội nhập hay thua trên sân nhà?”.

 



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường