Chủng loại sản phẩm gỗ xuất khẩu chính là: đồ mộc nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, ván nhân tạo, dăm gỗ, bàn ghế ngoài trời…
Tại Hội thảo Cơ hội và thách thức ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO vừa diễn ra sáng nay (26/2), Tiến sĩ Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ từ nay đến năm 2010 được dự báo tăng trưởng hơn 30%/năm. Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn về nguồn nguyên liệu. Nhu cầu nguyên liệu gỗ cho cả thị trường trong nước và chế biến đồ gỗ xuất khẩu đến năm 2010 vào khoảng 11-12 triệu m3. Song, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng tối đa 30%.
Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cân đối, sử dụng vốn đầu tư và tái đầu tư sản xuất; năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp; tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp…
Tiến sĩ Nguyễn Tôn Quyền cho biết, đến nay, mới chỉ có hơn 40% doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện xong cổ phần hoá, trong khi theo lịch trình của Chính phủ, chậm nhất đến năm 2009 các doanh nghiệp ngành gỗ phải hoàn tất 100% cổ phần hoá. Tiến sĩ Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành gỗ diễn ra chậm như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và thu hút vốn đầu tư. Năm 2007, thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến gỗ đạt trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Tuy nhiên, lẽ ra thu hút vốn đầu tư vào ngành gỗ còn tăng mạnh mẽ hơn nếu chúng ta thực hiện tốt hơn các yêu cầu đổi mới”, ông Nguyễn Tôn Quyền nói.
Sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, Tiến sĩ Nguyễn Tôn Quyền đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập kinh tế, chưa đưa ra được các chiến lược, chính sách thích ứng để có thể hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam đã chính thức hội nhập sâu đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt các cơ hội, tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất và hạn chế tối đa những xung đột lợi ích khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.