Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thuỷ sản: Một năm nhìn lại
22 | 12 | 2009
Nét mới trong xuất khẩu thủy sản năm 2009 là Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán hiệp định với Nhật Bản về xuất nhập khẩu thủy sản. Nhiều khả năng tới đây, phía Nhật Bản sẽ giảm mức thuế nhập khẩu bằng 0% đối với các sản phẩm tôm Việt Nam.

Nhìn chung, từ đầu năm đến hết tháng 6/2009 được coi là thời điểm rất khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản. Đến tháng 7, các chủ trương kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng, ngành nông lâm thủy sản thông qua nhiều hướng đi mới để khắc phục, tình hình có chuyển biến tích cực. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 4,3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Lương Lê Phương, về thị trường xuất khẩu năm 2009, cố gắng giữ vững những thị trường truyền thống: EU, Mỹ, Nhật, Nga và một số thị trường mới là Trung Đông và Nam Mỹ. Đối với thị trường Nga, tình hình đầu năm là rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi Bộ NNPTNT cử đoàn công tác sang đây và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường này theo cơ chế mới, từ tháng 5 trở đi tình hình đã sáng sủa hơn rất nhiều. Theo yêu cầu của phía Nga, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thành lập ngay Ban chỉ đạo xuất khẩu thủy sản sang Nga để cùng phối hợp với đơn vị của bạn (Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Nga). Tình hình xuất khẩu sang thị trường này đạt 3 kết quả quan trọng:

+Ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu từ đó quản lý và thống nhất được cùng một giá xuất khẩu;
+Cân đối được nhu cầu của thị trường;
+Giải quyết rốt ráo vấn đề thanh toán, trước đây thị trường này thường “nợ lâu và nợ lớn”.

Nét mới trong xuất khẩu thủy sản năm 2009 là Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán hiệp định với Nhật Bản về xuất nhập khẩu thủy sản. Nhiều khả năng tới đây, phía Nhật Bản sẽ giảm mức thuế nhập khẩu bằng 0% đối với các sản phẩm tôm Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản. Mới đây, phía Mỹ đã cử một đoàn công tác sang làm việc với Bộ NNPTNT và VASEP để củng cố mối quan hệ thương mại và công tác xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Năm 2009, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục gặp phải nhiều vụ kiện bán phá giá và một số “sự cố” về chất lượng tại thị trường Italia và Ai Cập. Bài học rút ra là phải tổ chức xúc tiến thương mại và công tác thị trường cho giỏi, phải có chiến lược thị trường đàng hoàng, rõ ràng. Chiến lược thị trường phải chú ý đến nhu cầu, thị hiếu để cải tiến về quy trình sản xuất, đóng gói bao bì, xây dựng được mạng lưới phân phối tại thị trường bản xứ và bán những khách hàng cần. Buôn có bạn, bán có phường, phải có bạn bè khách hàng tình nghĩa chứ không theo kiểu chộp giật, có mới nới cũ thì mới có thể thành công.

Về phương hướng xuất khẩu thủy sản năm 2010, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nguyên liệu. Phải có được những chương trình, đề án, dự án đầu tư sản xuất đủ nguồn nguyên liệu. Nếu không đủ thì phải nhập nguyên liệu nhưng là nhập có tổ chức và kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá cả đầu vào.

Tiếp đến là phải tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - xuất khẩu. Chuỗi liên kết này rất quan trọng và được cấu thành bởi 2 mối liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc là liên kết tất cả các khâu của quá trình, từ thức ăn, nuôi trồng, khai thác, xử lý môi trường đến chế biến, thương mại, dịch vụ…và liên kết ngang là liên kết giữa các chủ thể trong cùng một công đoạn.

Năm 2010, xuất khẩu thủy sản dự kiến tăng trưởng 10%. Dù các năm trước đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 20 - 22% nhưng năm 2010 chỉ dự kiến 10% vì dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Quan trọng là người nuôi, người khai thác, chế biến và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng có “lãi”. Có như vậy mới tạo được sự phát triển bền vững trên cả 3 phương diện là hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là phải xác định ưu tiên đối với cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Với các mặt hàng thủy sản, lâu nay chúng ta mới chỉ làm tốt hàng để xuất khẩu, tới đây phải làm hàng bán cho người người tiêu dùng trong nước tốt hoặc thậm chí tốt hơn hàng xuất khẩu. Phải có ý thức sản xuất và nghiên cứu kỹ thị trường từng vùng, từng miền, từng tỉnh. Trước mắt làm “hàng khô” là ưu tiên đầu tiên, rồi nữa là đến đồ hộp và sau là hàng chế biến đông lạnh. Tăng cường lưu thông các mặt hàng thủy sản trong hệ thống các siêu thị và tổ chức bán hàng lưu động tại các vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa, đặc biệt là ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2010 này.



Theo InfoTV.vn
Báo cáo phân tích thị trường