Ngày 4/12/2009, thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2033/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.
Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất cá tra đến năm 2010 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 600 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa 100 nghìn tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 20 vạn lao động.
Đến năm 2015 sản lượng cá nguyên liệu đạt 1,8 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tạo việc làm cho 23 vạn lao động.
Đến năm 2020 sản lượng cá nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu 900 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa 200 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0 tỷ USD, tạo việc làm cho 23 vạn lao động.
Nhiệm vụ của đề án là tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường công tác quản lý nhà nước và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, sản xuất thức ăn, xử lý môi trường nuôi,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống thống kê, dự báo thị trường và nâng cao năng lực cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Các giải pháp thực hiện cụ thể của Đề án là:
Về quản lý quy hoạch, phát triển nuôi cá tra chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền và sông Hậu, với diện tích tôi đa năm 2015 là 11.000 ha và năm 2020 là 13.000 ha, các cơ sở nuôi cá tra mới có quy mô 10 ha trở lên phải nằm trong vùng sản xuất theo quy hoạch, có cơ sở hạ tầng phù hợp với sản xuất công nghiệp.
Tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Các hộ nuôi cá tra sẽ được tổ chức lại theo mô hình quản lý cộng đồng (nhóm hộ, Hiệp hội nuôi cá tra) và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể: Hợp tác xã, Tổ hợp tác...
Bố trí, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở chế biến và tiêu thụ phù hợp với các vùng sản xuất nguyên liệu, thực hiện nguyên tắc nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, có trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định…
Về sản xuất giống, thức ăn và chế biến, xuất khẩu cá tra, đến năm 2015 hoàn thành việc thay thế toàn bộ giống cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm giống có chất lượng cao, sạch bệnh.
Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo điều hành sản xuất và xuất khẩu cá tra, bảo đảm sự phát triển ổn định, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.