Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản giảm sản lượng, tăng yêu cầu chất lượng
15 | 12 | 2009
Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cả năm 2009 ước đạt 4,3 tỷ USD, thấp hơn năm 2008 (4,5 tỷ USD). Sự suy giảm đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhìn lại một cách tổng thể tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2009 là cần thiết để tìm ra những giải pháp và hướng đi mới cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2010.

Kim ngạch xuất khẩu giảm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10-2009, xuất khẩu thủy sản đạt 995,5 tấn, trị giá 3.487,5 triệu USD (giảm 5,6% về lượng và giảm 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008). Ước tháng 11-2009 đạt 400 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 3,838 tỷ USD, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung mười tháng đầu năm, trừ mặt hàng tôm và mặt hàng khô, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khác vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm vẫn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 38,4% tỷ trọng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu 170,3 tấn với kim ngạch đạt 1.354,7 triệu USD, tăng 7,4% về khối lượng và tăng 0,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài ba thị trường nhập khẩu đạt giá trị cao là Nhật Bản, Mỹ và EU, còn có Hàn Quốc, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa, Ðài Loan (Trung Quốc), Ðức đạt giá trị hơn 50 triệu USD.

Xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ, mặc dù vẫn là thị trường chủ lực nhưng đều giảm cả về lượng lẫn giá trị. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Nhật giảm 4,5% về lượng và 2,8% về giá trị, xuất khẩu sang Mỹ giảm 6,2% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị. Ðối với thị trường Nhật Bản, mặc dù Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm số 1, tuy nhiên cạnh tranh từ phía các nhà cung cấp khác ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ Thái-lan. Chín tháng đầu năm 2009, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam giảm 11%, thì nhập khẩu tôm từ Thái-lan vào Nhật Bản lại tăng 28,7%. Thái-lan vươn lên vị trí thứ ba từ vị trí thứ tư năm 2008. Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ đứng sau Thái-lan và In-đô-nê-xi-a về cung cấp tôm cho thị trường Mỹ thì năm 2009 (hết quý III), Việt Nam tụt hạng xuống vị trí thứ năm, sau Ê-cu-a-đo và Trung Quốc do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi đó sản lượng tôm khai thác nội địa tăng lên. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ tìm tới nguồn hàng từ các nước gần kề như Mê-hi-cô hay Ê-cu-a-đo để giảm tải chi phí. Ðiều này dẫn tới tình trạng thị trường tôm chân trắng bão hòa.

Tiếp đến là mặt hàng cá tra, ba sa chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần 32%. Mười tháng đầu năm 2009, cả nước đã xuất khẩu được gần 500 tấn cá tra, ba sa, đạt kim ngạch 1,12 tỷ USD, giảm gần 9% về khối lượng và giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong các thị trường nhập khẩu, thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh nhất về giá trị với 71,1%, thứ hai là Mê-hi-cô tăng 16,7%, Nga giảm mạnh nhất với 65,5%, U-crai-na giảm 56,3%. Thị trường lớn nhất của cá tra vẫn là EU chiếm 40,8%, Mỹ 10%, ASEAN 6,5%, Mê-hi-cô 5,4%, Nga 5,3%, U-crai-na 5,1% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2008. Thực tế, thị trường Mỹ vẫn là thị trường chính của cá tra Việt Nam với sự gia tăng không ngừng về khối lượng và giá trị nhập khẩu. Ðây là thị trường nhập khẩu cá tra ổn định nhất từ đầu năm đến nay xét cả về khối lượng và giá trị.

Trái với tất cả các thị trường khác, cá tra xuất sang Mỹ vẫn được giá. Giá trung bình xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ trong tháng 10 là 3,25 USD/kg, tăng 0,1 USD/kg so cùng kỳ năm 2008. Bên cạnh những thị trường khác vẫn duy trì tốc độ ổn định về nhập khẩu cá tra như ASEAN, Mê-hi-cô, trong tháng 10, xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha cũng đã có dấu hiệu phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 31,7% về lượng và 9,4% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm liên tục trong ba tháng trước. Xét theo thị trường đơn lẻ, Tây Ban Nha chỉ đứng sau Mỹ về kim ngạch nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong khi các thị trường trên đang khởi sắc trở lại thì xuất khẩu sang Nga và U-crai-na, vốn là hai thị trường lớn của cá tra Việt Nam trong năm 2008 lại giảm mạnh.

Ðối với các mặt hàng thủy sản khác, kim ngạch xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái: cá ngừ giảm 1,2% về lượng và 10,2% về giá trị, mực và bạch tuộc giảm 12,9% về khối lượng và 16% về giá trị. Trong khi đó, hàng khô tăng 23,4% về lượng và 7,7% về giá trị kim ngạch.

Về thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong năm 2009, EU vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, Nhật Bản đứng vị trí thứ 2, tiếp đến là thị trường Mỹ...

Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Nhìn lại tổng thể tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2009, có thể thấy chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn với kết quả đạt được, vượt kế hoạch đề ra và vượt xa mức dự báo "khiêm tốn" hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với năm 2008, thì tăng trưởng vẫn ở mức âm. Nguyên nhân là vì đâu?

Trước hết có thể thấy trong năm 2009, các nền kinh tế lớn chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế lại chính là các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam. Ðiều đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của ta giảm so với cùng kỳ, giá bán thấp, ảnh hưởng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của xuất khẩu thủy sản.

Bên cạnh đó, còn chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu, bị đối tác lợi dụng đưa giá xuất khẩu xuống mức quá thấp với chất lượng thấp (tỷ lệ mạ băng cao, dùng hóa chất giữ nước...) không những làm tổn hại đến hiệu quả và lợi ích của người nuôi cá mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam, tạo cớ cho những thông tin không tốt của báo chí các nước, dẫn đến nguy cơ làm mất thị trường.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như nguồn nguyên liệu không ổn định, tình hình sản xuất khai thác không thuận lợi cũng làm giảm tăng trưởng xuất khẩu.

Từ những nguyên nhân trên cho thấy nhiều vấn đề đang đặt ra cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đòi hỏi có những giải pháp căn cơ và triệt để. Theo đó, điều quan trọng nhất là cần điều chỉnh và ban hành các quy chuẩn về chất lượng sản phẩm thủy sản, đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nhất là đối với những đơn vị có nhiều lô hàng bị cảnh cáo. Ðặc biệt, cần quan tâm sản phẩm cá tra và cá ba sa phi-lê đông lạnh xuất khẩu; cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh để bảo vệ uy tín của sản phẩm cá tra nói riêng và sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung. Song song với đó là việc kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam ngày càng có những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, nhất là mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Không đáp ứng đủ những yêu cầu của đối tác, không có cách nào hàng thủy sản Việt Nam có thể thâm nhập được dù mức giá thế nào. Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là yêu cầu lớn đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng yêu cầu phải có cơ chế quản lý về giá sàn xuất khẩu và giá hướng dẫn thu mua nguyên liệu để tránh việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, làm mất thị trường và dẫn đến việc bị kiện bán phá giá.

Thêm nữa, với nhiều hàng rào kỹ thuật các đối tác dựng lên thì Việt Nam cần có sự đáp ứng tốt nhất. Gần đây nhất là bắt đầu từ tháng 1-2010, EU sẽ yêu cầu "chứng nhận thủy sản khai thác" đối với tất cả các nhà xuất khẩu thủy sản nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và loại bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo đó, Bộ NN và PTNT vừa ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Quy chế này quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm tra, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác.

Ngoài các giải pháp về chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của đối tác thì một trong những giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản là mở rộng thị trường. Chính vì thế, ngành thủy sản cần quan tâm hơn nữa đến các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại nước ngoài thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư...

Một yêu cầu nữa là cần nhanh chóng triển khai xây dựng chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 để có một chiến lược phát triển dài hạn và bền vững cho xuất khẩu thủy sản.

Trong năm 2009, mặc dù xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, trở ngại cả về yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhưng để đạt được những kết quả đã nêu là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành thủy sản nước nhà. Giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của năm 2009 và thực hiện những định hướng mới của năm 2010, hy vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn "ghi điểm" nhiều hơn nữa, giữ vững được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường