Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 này vào khoảng 1.340 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2009-2015 cần 800 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 cần 540 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, việc nuôi cá tra phát triển chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền và sông Hậu gồm các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp với diện tích tối đa năm 2015 là 11 ngàn ha và năm 2020 là 13 ngàn ha.
Để tránh tình trạng nuôi cá tra manh mún, nhỏ lẻ, các cơ sở nuôi cá tra mới sẽ có quy mô 10 ha trở lên và phải nằm trong vùng sản xuất quy hoạch. Khuyến khích hình thành cơ sở chế biến cá tra tại các vùng nuôi theo quy hoạch hoặc các trung tâm nghề cá của địa phương, bảo đảm phát triển sản xuất đi đôi với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đề án có kế hoạch tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Và yếu tố quan trọng là thực hiện nguyên tắc nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, có trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định.
Năm 2010, sản lượng cá tra nguyên liệu của vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu đạt 1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 600 ngàn tấn, tiêu thụ nội địa 100 ngàn tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 20 vạn lao động.