Trong 1/4 thế kỷ qua, nuôi thủy sản là lĩnh vực sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 8,8% từ năm 1970. Trong khi đó, sản xuất gia cầm, gia súc, một ngành cũng được coi là phát triển chỉ tăng 2,8%/năm.
Ngày nay, thủy sản nuôi chiếm khoảng 45% lượng tiêu thụ thủy sản của con người, với 48 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, dân số thế giới sẽ thêm 2 tỷ người, nghĩa là ngành nuôi trồng thủy sản sẽ phải sản xuất gần gấp đôi sản lượng hiện nay với khoảng 85 triệu tấn/năm mới đủ duy trì mức tiêu thụ bình quân hiện nay.
Ông Jacques Diouf, Tổng Giám đốc FAO cho rằng, với xu hướng này, cần ưu tiên tăng cường phát triển ngành nuôi trồng thủy sản thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng, cũng cần có quyết định đúng đắn về các chính sách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, giống và thức ăn nuôi cũng như việc quản lý môi trường để duy trì và khuyến khích tăng trưởng của ngành nuôi trồng. Nguồn thu nhập và việc làm từ ngành nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng quan trọng.
Một báo cáo của FAO trình bày trong cuộc họp khẳng định chỉ có nuôi trồng thủy sản mới có thể xóa đói giảm nghèo và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, nhờ nguồn cung cấp thực phẩm giàu chất đạm, axít béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời cái thiện khá nhiều cho nguồn an toàn thực phẩm bằng tạo việc làm và tăng thu nhập. Ở Châu Á, nuôi trồng thủy sản trực tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu người.
Tuy nhiên, trái với sự bùng phát của ngành nuôi trồng thủy sản, Châu Phi lại là một trường hợp ngoại lệ, vì là khu vực duy nhất trên thế giới có lượng tiêu thụ thủy sản theo đầu người giảm và tỷ trọng của thủy sản nuôi trồng chỉ chiếm dưới 1% sản lượng của cả thế giới. Châu Phi có tiềm năng dồi dào về tài nguyên để phát triển nuôi trồng thủy sản nên cần được ưu tiên viện trợ để khuyến khích phát triển ngành này.