Ngoài ra, nước này còn là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới với Nhật Bản là khách hàng lớn nhất, chiếm khoảng một nửa tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm gần đây. Với số lượng người tiêu dùng giàu có ngày một tăng, năng lực sản xuất lớn hơn và tính phổ biến của thủy sản, đặc biệt là giáp xác và nhuyễn thể, châu Á ngày càng có nhu cầu cao đối với thủy sản chất lượng cao của Trung Quốc.
Tổng sản lượng thủy sản của Trung Quốc là 51 triệu tấn, đạt mức tăng trưởng ổn định 4,08%/năm.
Các hoạt động nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản tập trung ở một số khu vực chính, chủ yếu là quanh các thành phố ven biển như Đại Liên và Thanh Đảo ở miền Bắc và các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông ở miền Nam. Tỉnh Sơn Đông, trong đó Thanh Đảo là thủ phủ, là tỉnh có sản lượng thủy sản dẫn đầu với 7,4 triệu tấn.
Trong số 10 sản phẩm thủy sản nuôi nước mặn hàng đầu của Trung Quốc, có đến 6 sản phẩm giáp xác và nhuyễn thể. Trong số các sản phẩm thủy sản nuôi nước ngọt thì cá chép đứng đầu, chiếm 72% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, tôm và cá rô phi đang đạt được tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Trung Quốc có sản lượng tôm nuôi chiếm khoảng 41% tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu, là nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới năm 2006.
Những lệnh cấm nhập khẩu gần đây của Mỹ đối với thủy sản của Trung Quốc do vấn đề nhiễm kháng sinh và các chất gây ung thư đã ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của ngành thuỷ sản nước này trong năm nay. Tuy nhiên, để ứng phó với tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp mới về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bao gồm hơn 700 tiêu chuẩn quốc gia, gần 2.000 tiêu chuẩn ngành và 1.780 cơ sở kiểm tra chất lượng tại cấp tỉnh, thành phố và thị xã.
Tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 11,5 kg/người năm 1990 lên 25,6 kg/người năm 2006 và dự kiến sẽ tăng thêm 40% lên 36 kg/người trong thập kỷ tới.
Cá nước ngọt và nhuyễn thể chân đầu chiếm lĩnh thị trường nội địa Trung Quốc. Nước này nhập khẩu chủ yếu thủy sản có giá trị cao hơn như bào ngư và tôm.
Trong vài năm gần đây, chế biến thủy sản nhập khẩu rồi tái xuất đã đem lại nhiều tỉ đôla cho Trung Quốc, trong đó phần lớn là thủy sản khai thác biển đông lạnh nhập khẩu từ Nga và Mỹ. Chế biến cho tái xuất được hỗ trợ bằng việc được giảm 100% thuế nhập khẩu và được thanh toán vào thời điểm tái xuất.