Ông Patric Vizzone, phụ trách lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và nông sản Châu Á tại Rabobank International cho rằng trữ lượng thủy sản ở khu vực Đông Á giảm đang là mối quan ngại của toàn cầu.
Đông Á chiếm 45% (41,7 triệu tấn) sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên của toàn cầu và chiếm gần 90% (42,8 triệu tấn) thủy sản nuôi trồng. Khu vực Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Inđônêxia, cũng chiếm 55% sản lượng thủy sản toàn cầu và dẫn đầu về mức tăng trưởng hàng năm (5%).
Khu vực này ngày càng chú ý đến việc phối hợp hành động để bảo tồn nguồn lợi thủy sản quý giá khi môi trường biển thế giới đang xuống cấp do một số yếu tố như lạm thác, khai thác bằng lưới giã cào đáy, và lượng cá đánh bắt kèm ngày càng tăng. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng là một thách thức lớn đối với ngành thủy sản.
Năm 2006, sản lượng thủy sản của Thái Lan đạt gần 4 triệu tấn, một nửa trong đó để xuất khẩu. Tiêu thụ thủy sản trung bình theo đầu người của Thái Lan là 33kg/năm. Thái Lan là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Na Uy và là một trong những nước đứng đầu về sản xuất tôm và cá ngừ. Nước này có hơn 20.000 trại nuôi tôm và có ưu thế giá cả, chất lượng sản phẩm và ngành chế biến đồ hộp phát triển.
Trong khi nhiều nhà sản xuất thủy sản chọn Trung Quốc làm trung tâm sản xuất, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu chủ đạo nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và uy tín về an toàn thực phẩm ở thị trường Châu Âu và Mỹ. Ngành thủy sản Thái Lan đang thời kỳ trưởng thành và khó có thể bị đánh bại bởi các đối thủ như Trung Quốc, Việt Nam hay Malaixia.
Chính phủ Thái Lan cũng thành công trong việc xóa bỏ những mối quan ngại về an toàn thực phẩm và đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm có thể làm tăng chi phí sản xuất nhưng vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng sẽ là yếu tố tạo ra ưu thế cạnh tranh lâu dài cho các nhà sản xuất nước này.