Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đông Nam Á: nhu cầu đậu nành tăng gấp đôi do nuôi cá
22 | 09 | 2011
Nhập khẩu đậu nành vào Đông Nam Á có thể tăng gấp đôi trong 10 năm tới bởi nhu cầu lớn từ ngành nuôi thả thủy sản, nhất là ở Trung Quốc – theo dự báo của Ủy ban xuất khẩu đậu nành Mỹ.

Trung Quốc không chỉ là nước đông dân nhất thế giới mà còn là nước tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới trong năm vừa qua, vượt cả Nhật Bản. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 694 triệu tấn thủy sản mỗi năm, cao hơn so với 582 triệu tấn ở Nhật Bản và 349 triệu tấn ở Mỹ.

Bên lề hội nghị Hợp tác nông nghiệp Đông Nam Á - Mỹ, Phó giám đốc điều hành ủy ban trên, ông Jim Sutter, cho biết diện tích nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ. “Hiện, Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, tiêu thụ lượng thủy sản khổng lồ và đang xuất khẩu một phần thủy sản sản xuất được. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy sau một số năm nữa, họ sẽ tiêu thụ toàn bộ số thủy sản sản xuất được và chắc chắn sẽ sớm nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu khổng lồ”.

Ông Sutter cho rằng sắp tới, các nước như Indonesia, Philippine và Malaysia sẽ có cơ hội lớn về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và “Chúng tôi có thể tăng gấp đôi xuất khẩu đậu nành trong 10 năm tới sang Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia tăng mạnh mẽ”.

Nhập khẩu khô đậu nành vào Đông Nam Á hiện đạt 10,8 triệu tấn/năm, trong đó 2,3 triệu tấn đến từ Mỹ.

Mỹ tiêu thụ khoảng 45% tổng lượng đậu nành mà họ sản xuất ra, chủ yếu cho ngành chăn nuôi, phần còn lại dành cho xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng đậu nành niên vụ này sẽ đạt 3,085 triệu bushel, còn giới kinh doanh ước tính là 3,032 triệu bushel.

Sáng ngày 21-9, giá đậu nành giao tháng 11-2011 tại Chicago giảm 0,4% xuống 13,33 đô la Mỹ/bushel.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường