Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thủy sản Hàn Quốc
24 | 01 | 2008
Năm 2006, Hàn Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới với GDP 1,196 ngàn tỷ USD tính theo sức mua tương đương (PPP)...

Tổng quan

Năm 2006, Hàn Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới với GDP 1,196 ngàn tỷ USD tính theo sức mua tương đương (PPP). GDP bình quân đầu người (PPP) ở Hàn Quốc là 24.500 USD trong năm 2006. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo năm 2007 tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 4,5% và năm 2008, tăng trưởng GDP sẽ đạt 5%.

Nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc năm 2006 đạt 2,77 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2005. Năm 2006, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 về nhập khẩu thủy sản của Mỹ với 63.000 tấn trị giá 151 triệu USD, chiếm 5,4% thị phần ở Mỹ. Năm 2007, tổng nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 10% lên 3 tỷ USD.

Năm 2006, Hàn Quốc XK thủy sản đạt 1,09 tỷ USD. Cách đây mới 6 năm, Hàn Quốc còn XK thủy sản nhiều hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước gia tăng và nguồn cung cấp giảm nên tình hình đã đảo ngược. Hiện nay Hàn Quốc nhập khẩu thủy sản nhiều hơn XK 1,7 tỷ USD. Dự kiến nhập khẩu sẽ tiếp tục vượt xuất khẩu, chứng tỏ Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với các nhà cung cấp thủy sản Mỹ.

Năm 2006, sản lượng thủy sản của Hàn Quốc tăng lên 3,03 triệu tấn, tăng 12% so với 2,71 triệu tấn trong năm 2005 chủ yếu do sự tiến bộ trong hoạt động nuôi thủy sản nước nông. Sản lượng nuôi thủy sản nước nông tăng lên 1,259 triệu tấn trong năm 2006, so với 1,041 triệu tấn năm 2005, góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng sản lượng.

Rong biển và thủy sản có vỏ chiếm 92%, cá chiếm 7% và thủy sản giáp xác và các loài khác chiếm 1% sản lượng nuôi trồng thủy sản nước nông. Năm 2006, sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên của Hàn Quốc giảm xuống 1,261 triệu tấn so với 1,265 triệu tấn của năm 2005.

Dự kiến sản lượng thủy sản của Hàn Quốc sẽ không tăng trong tương lai do nguồn lợi thủy sản ở các vùng ven biển sụt giảm và hiệu lực của các Khu Ðặc quyền Kinh tế của các nước láng giềng. Số tàu khai thác giảm liên tục trong 5 năm qua chứng tỏ sự sụt giảm nguồn lợi thủy sản. Ðể đối phó với tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường giảm qui mô của các đội tàu khai thác và dự định sẽ tiếp tục giảm nữa trong vài năm tới.

Nhận thấy khả năng ảnh hưởng đến kinh tế của động thái này cùng với việc giảm các hiệp định nghề cá, chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành công trình nghiên cứu nuôi trồng thủy sản ở vùng nước sâu và tìm cách có được hạn ngạch khai thác thủy sản cao hơn các vùng biển quốc tế.

Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc - Hoa Kỳ (KORUS FTA) ký hồi tháng 4/2007 dự kiến sẽ củng cố hơn sự hợp tác lâu dài giữa 2 nước. Về lĩnh vực thủy sản, KORUS FTA sẽ tạo thêm cơ hội cho các nhà XK Mỹ.

Thuế hải quan đối với thủy sản nhập khẩu từ Mỹ sẽ là 0% có hiệu lực tức thì hoặc trong vòng 3-10 năm tùy theo kết quả đàm phán FTA. VD: Thuế hải quan đối với cá hồi đỏ đông lạnh ngay lập tức sẽ là 0%, trong khi thuế đối với cá hồi nuôi và cá mú của Mỹ sẽ giảm xuống 0% sau 3 và 10 năm.

Kế hoạch giảm thuế hải quan sẽ được chia theo tỷ lệ cân đối trong từng giai đoạn. Sẽ có 3 loài cá được áp dụng Hạn ngạch có thuế (TRQ) khi thực hiện FTA. VD: Thuế hải quan sẽ được miễn đối với 4.000 tấn cá bơn đông lạnh nhập khẩu trong năm đầu thực hiện FTA.

Tiêu thụ

Theo thống kê hàng tháng của Hàn Quốc, chi tiêu bình quân hàng tháng cho thủy sản của các hộ gia đình ở thành phố của Hàn Quốc là 36 USD trong năm 2006. Năm 2005, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Hàn Quốc là 48,1kg (các sản phẩm thủy sản 38,5kg và tảo biển 9,6kg).

Các loài thủy sản chính được tiêu thụ ở Hàn Quốc là cá minh thái Alaska, mực ống, cá thu và cá đù vàng. Ngành thủy sản Hàn Quốc đã thành công trong việc thay đổi quan niệm của người tiêu dùng để đa dạng hóa sản phẩm thủy sản; việc nâng cao chất lượng và phát triển công nghệ chế biến là chìa khóa để thúc đẩy nhu cầu trong nước tăng.

Các nhà hàng thủy sản nhỏ kiểu gia đình ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc nhờ thu nhập tăng và mức sống được cải thiện, môi trường kinh doanh thuận lợi. Todai, Seafood Ocean, Bono -Bono, Ocean Star và Muscus là một trong số các nhà hàng gia đình đang làm ăn phát đạt ở Hàn Quốc.

Những nhà hàng này đang sử dụng nguồn thủy sản nhập khẩu và sản xuất trong nước. Người Hàn Quốc chuộng nhất thủy sản sống, sau đó đến thủy sản tươi và đông lạnh. Một số thủy sản được ăn sống như Hoi hoặc sashimi và giá rất cao. Tương tự như thế, giá thủy sản tươi cũng cao hơn nhiều so với thủy sản đông lạnh.

Ngày càng có nhiều phụ nữ phải ra ngoài làm việc nên nhu cầu thực phẩm tiện lợi ngày càng tăng. Người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng ưa chuộng thực phẩm đã chế biến sẵn, nấu chín và bảo quản ở các siêu thị. Các khách sạn thường sử dụng thủy sản chất lượng cao, giá đắt. Tuy nhiên, ngành dịch vụ thực phẩm lại sử dụng nguyên liệu giá rẻ để giảm chi phí nhằm cạnh tranh.

Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng vì các hãng truyền thông Hàn Quốc có xu hướng đưa tin về các vấn đề nhạy cảm liên quan đến thực phẩm. Việc phát hiện ra dịch bệnh trong thủy sản hoặc dư lượng hóa chất trong thủy sản nuôi sẽ được thông báo rộng rãi và sẽ dẫn đến việc ngừng tiêu thụ thủy sản ở địa phương. Ví dụ, tin phát hiện ra Malachite Green trong thủy sản nuôi trong nước năm 2005 đã làm giảm mạnh lượng tiêu thụ cá chép và cá hồi ở Hàn Quốc.

Thương mại

Dự báo người tiêu dùng Hàn Quốc sẽ tận dụng giá giảm nhờ việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu để mua nhiều surimi cá minh thái đông lạnh, tôm hùm sống, cá vây chân đông lạnh, cá tuyết đông lạnh, trứng cá minh thái đông lạnh, cá đuối đông lạnh, cá bơn đông lạnh, hải sâm chế biến sẵn và cá đù đông lạnh.

Giá cả, chất lượng và tiết kiệm thời gian là những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mậu dịch của Mỹ. Thủy sản của Mỹ thường có chất lượng cao nhưng giá cao. Tuy nhiên, các loài thủy sản chính nhập khẩu từ Mỹ lại được người Hàn Quốc ưa chuộng trong khi các nước khác không thể cung cấp với khối lượng lớn.

Tổng nhập khẩu thủy sản vào Hàn Quốc năm 2006 đạt 1,38 triệu tấn, trị giá 2,77 tỷ USD - đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nước cung cấp thủy sản lớn nhất trong năm 2006 là Trung Quốc với 1,034 tỷ USD, tiếp đến là Nga với 347 triệu USD, Nhật Bản 224 triệu USD, Việt Nam 206 triệu USD, Mỹ 151 triệu USD, Thái Lan 144 triệu USD, Ðài Loan 86 triệu USD và Chilê 84 triệu USD. 8 nước này chiếm 82% tổng nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc trong năm 2006.

Năm 2006, Hàn Quốc XK 367.498 tấn thủy sản trị giá 1,09 tỷ USD, mức thấp nhất trong lịch sử. Các loài thủy sản XK chính của Hàn Quốc gồm cá ngừ (228 triệu USD), tảo biển (62 triệu USD), hàu (56 triệu USD), cá bơn (52 triệu USD), mực ống (47 triệu USD), và trứng cá (44 triệu USD).

Thị trường XK thủy sản lớn nhất của Hàn Quốc năm 2006 là Nhật Bản với 660 triệu USD, tiếp đến là Mỹ 96 triệu USD, Trung Quốc 75 triệu USD, Thái Lan 62 triệu USD, Niu Dilân 39 triệu USD, Tây Ban Nha 28 triệu USD, Ðài Loan 18 triệu USD và Hồng Kông 13 triệu USD. Tám nước này chiếm 91% XK thủy sản của Hàn Quốc trong năm 2006.

Chilê nổi lên là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Nhờ việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Chilê (FTA) năm 2004, nhập khẩu thủy sản từ Chilê tăng 46% lên 84 triệu USD vào năm 2006. Năm 2003, nhập khẩu thủy sản từ Chilê vào Hàn Quốc mới đạt 32 triệu USD, sau đó các nhập khẩu nước này quan tâm hơn đến thủy sản Chilê vì thuế thấp hơn so với các nước khác.

Về lâu dài tác dụng của FTA thể hiện rõ hơn khi thuế Hải quan tiếp tục giảm hoặc giảm xuống 0%. Nhờ có FTA, thuế nhập khẩu đã lập tức được giảm xuống 0% đối với 277 mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Chilê có hiệu lực từ ngày 1/4/2007.

Khoảng 20 nước cung cấp thủy sản trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Niu Dilân, Chilê, Canađa, Na Uy, Inđônêxia, Ấn Ðộ, Philippin, Anh, Malaixia, Mêhicô... tham gia Hội chợ Thủy sản Quốc tế Busan hàng năm, trưng bày các loại thủy sản nhắm đến các đối tượng là các nhà nhập khẩu, các nhà bán buôn, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng và các nhà chế biến thực phẩm.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường