Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 13 doanh nghiệp thủy sản được VPSS cấp phép xuất khẩu trực tiếp vào Nga.
Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết, đây là lần thứ 3 trong năm nay đoàn VPSS đền Việt Nam để xem xét, cấp phép cho các doanh nghiệp.
Dự kiến, trong thời gian ở Việt Nam từ 16 đến 26/9, đoàn VPSS sẽ làm việc với trên 20 doanh nghiệp, do vậy số doanh nghiệp được cấp phép trong đợt này có thể sẽ tăng.
Đây cũng là chuyến thanh tra lần thứ 3 trong năm nay của VPSS. Ngoài việc kiểm tra các doanh nghiệp cá tra basa, phía Nga sẽ đến thăm một số doanh nghiệp chế biến cá biển tại tỉnh Khánh Hòa, thăm một số nhà máy sản xuất tôm vì họ cho rằng người tiêu dùng Nga hiện đang rất quan tâm tới mặt hàng tôm của Việt Nam.
Trong buổi làm việc với đoàn VPSS chiều ngày 16/9, ông Ngô Phước Hậu - Phó Chủ tịch VASEP khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam luôn cải thiện chất lượng hàng thủy sản Việt Nam nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan Nga. Đồng thời, Ông Hậu cũng đề nghị đoàn thanh tra VPSS bố trí thời gian kiểm tra thêm các doanh nghiệp khác đang có nhu cầu xuất khẩu thủy sản vào Nga nhằm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam từ trước tới nay, có thị trường đặt yêu cầu cao, nhưng có thị trường như Liên bang Nga không đặt ra tiêu chuẩn nào cụ thể nào. Gần đây, Nga yêu cầu sang tận nơi kiểm tra việc nuôi trồng, chế biến thuỷ sản ở Việt Nam. Sau khi kiểm tra thực tế, Nga cấp phép cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.
Như vậy, đây chỉ là giải quyết vướng mắc về phương pháp và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, ông Thắng nói.
Nhiều năm qua, Nga luôn là một trong những thị trường chính của hàng thuỷ sản Việt Nam. Nửa đầu năm nay, Nga chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5, sau EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc