Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia nhập WTO: Nhà nước không thể làm thay các doanh nghiệp
09 | 10 | 2007
Nước đã đến chân rồi, các DN không thể chần chừ mà buộc phải nhảy, nhảy vào biển lớn. Tất nhiên, làm thế nào để nhảy không lệch ra khỏi quỹ đạo chung thì đó chính là một phần quan trọng tự chính sự vận động của các DN.
Có những lúc thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam tưởng như tiếp tục phải lùi lại, thế nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả các dòng sông để băng ra biển lớn. Nơi ấy, hội tụ của 150 nền kinh tế toàn cầu, cơ hội là rất nhiều, thách thức cùng không phải ít... Phóng viên Báo Thương Mại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về WTO ngay sau khi ông từ Genever trở về.

Thưa Thứ trưởng, tại phiên đàm phán đa phương lần thứ 14 vừa kết thúc, những nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ để Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo Thứ trưởng, những vấn đề nào được coi là căng thẳng nhất trên bàn đàm phán?

Thứ nhất: đó là quyền kinh doanh. Hầu hết các đối tác xoáy mạnh vào việc Việt Nam mở cửa trong hệ thống phân phối. Tuy nhiên Việt Nam phải chủ động giành cho được quyền kiểm soát, không để các nhà kinh doanh nước ngoài khống chế mạng phân phối. Chúng ta có quyền dùng quy định để hạn chế sự tiếp cận dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt là ở những mặt hàng nhạy cảm.

Thứ hai: là thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với rượu, bia. Chúng ta muốn giành quyền đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phần trăm lũy tiến theo độ cồn, độ cồn càng cao thì thuế suất càng cao. Nhưng như thế sẽ nẩy sinh vấn đề cùng một loại rượu sẽ phải áp các mức thuế khác nhau theo độ cồn. Điều này trái với qui định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Bởi theo qui định của GATT, trong cùng một loại rượu không được có thuế suất khác nhau. Suốt mấy ngày đàm phán, không một nước nào chấp nhận để Việt Nam áp dụng cách đánh thuế đó. Cuối cùng đoàn đàm phán đành chấp nhận tuân thủ quy định chung, song giành quyền tự chủ lựa chọn hình thức đánh thuế, tương đối (theo phần trăm) hay tuyệt đối (áp dụng mức tiền cụ thể với từng loại sản phẩm). Đồng thời chúng ta cũng không cam kết thuế suất cụ thể. Nhiều nước muốn ta đánh thuế tuyệt đối, một số nước muốn ta công khai thuế suất để họ có kế hoạch xâm nhập thị trường, thế nhưng chúng ta đã kiên quyết không đáp ứng yêu cầu này và các nước đã chấp nhận.

Thứ ba: đó là nội dung loại trừ trong dịch vụ vận tải biển (tức là sau này Việt Nam ký hiệp định vận tải với một nước nào đó, hiệp định sẽ không áp dụng đồng loạt cho các thành viên khác). Lý do, tháng 10/2004, nước ta có một số cam kết với EU về dịch vụ vận tải biển, vì thế chúng ta muốn điều này không được áp dụng chung cho tất cả các thành viên khác trong WTO. Một số thành viên kiên quyết yêu cầu Việt Nam bỏ quy định loại trừ này, thế nhưng cuối cùng chiều ngày 13/10, chúng ta cũng đã đạt được thỏa thuận.

Thứ trưởng từng nói: Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào một bước ngoặt mà từ đây chúng ta sẽ chính thức chơi theo một thông lệ quốc tế mới. Chơi theo luật mới, trước hết người chơi phải hiểu luật, vậy theo Thứ trưởng, đối với các ngành kinh tế đặc biệt và các DN phải “nhảy” như thế nào vừa đúng luật vừa không bị ngã?

Trên thực tế thì chúng ta đã phổ biến cho các DN lâu rồi. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi. Mục đích của các cuộc đàm phán là đấu tranh để có lộ trình giúp cho các thành phần kinh tế, nhiều lĩnh vực liên quan thực hiện chuyển đổi một cách phù hợp, hiệu quả. Trong các thỏa thuận ký kết, có những cái chúng ta chấp nhận mở cửa ngay, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực chúng ta thực hiện chuyển đổi theo lộ trình, chẳng hạn sau ba năm gia nhập WTO thì chúng ta mới bắt buộc phải thực hiện. Vì thế, các ngành kinh tế, các DN nên tận dụng những “ngõ mở” này để tìm lấy hướng đi phù hợp cho mình. Theo tôi, vấn đề của DN bây giờ không phải là thời gian nữa. Nước đã đến chân rồi, các DN không thể chần chừ mà buộc phải nhảy, nhảy vào biển lớn. Tất nhiên, làm thế nào để nhảy không lệch ra khỏi quỹ đạo chung thì đó chính là một phần quan trọng tự chính sự vận động của các DN.

Thế nhưng đề cập tới vấn đề này, nhiều ý kiến lại cho rằng, thời gian vừa qua, Việt Nam quá “kín kẽ” khi công bố các thỏa thuận ký kết, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi cũng như chiến lược đầu tư phát triển của các ngành kinh tế?

Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1995, như vậy 11 năm không phải là quãng thời gian ngắn đối với thuật ngữ WTO, hay nói chính xác hơn là Việt Nam không còn xa lạ gì với từng động thái, bước đi của các cuộc đàm phán song phương, đa phương. Gia nhập WTO có hai phần: Về phía Nhà nước, các ngành hàng có chiến lược từ năm 2001 đến năm 2010 trình Thủ tướng. Việc làm hiện nay là chúng ta phải xem xét các chiến lược đó có phù hợp không, điểm nào không phù hợp thì phải sửa đổi.

Về phía các DN, đối với các tập đoàn, DN lớn đã chủ động xây dựng những chiến lược cho mình từ lâu. Còn các DN nhỏ cũng phải tự xây dựng những chiến lược riêng cho mình, Nhà nước không thể làm thay các DN phần này được. Thời gian qua, chúng ta đã có hàng trăm hội thảo phổ biến, tập huấn và tìm hiểu về những quy định, luật pháp, cũng như những cơ hội, thử thách khi gia nhập WTO. Chẳng hạn, về chính sách thuế, cách đây ba năm, Bộ Tài chính đã “tiên phong” trong việc công bố các biểu thuế XNK đối với từng mặt hàng. Đầu tháng 7/2006, Bộ Tài Chính cũng cung cấp các cam kết gia nhập WTO của ngành tài chính như bãi bỏ trợ cấp, giảm thuế NK, mở cửa dịch vụ tài chính…

Mặt khác, như đã nói ở trên, trong các cam kết khi gia nhập, chúng ta có một quá trình dài để thực hiện chuyển đổi. Vì thế tôi nghĩ, nếu các ngành, DN chủ động thì không có gì là quá muộn.

Việc công bố các thỏa thuận đã cam kết của nước ta có gì cản trở không, thưa Thứ trưởng?

- Về cơ bản chúng ta đã có thể công bố được. Bởi vì đến thời điểm này sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về các mức cam kết mà chỉ có thể cần phải sửa đổi một số câu chữ. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết sẽ được công bố sau phiên làm việc cuối cùng ngày 25 và 26 tháng 10 vì có những câu chữ có thể thay đổi từ giờ cho đến lúc đó.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!



(Theo Quỳnh Minh-Báo Thương mại)
Báo cáo phân tích thị trường