Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long: Giá tăng, nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi
27 | 09 | 2007
Do đã kết thúc mùa thu hoạch, nguồn cung lúa hàng hóa giảm nên giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục nhích lên trong vài tuần gần đây.

Hiện phổ biến ở mức 3.000 - 3.400 đồng /kg, tùy loại; gạo lức nguyên liệu xuất khẩu 3.850 - 3.950 đồng /kg. Giới kinh doanh nhận định, giá lúa, gạo sẽ còn tăng theo nhu cầu của thị trường thế giới.]

Giá lúa gạo còn tăng

Với mức giá hiện tại, giá các loại lúa dài thường và gạo lức nguyên liệu xuất khẩu đã tăng khoảng 650 - 800 đồng /kg so với cùng kỳ năm 2006. Theo các thương lái kinh doanh lúa gạo, ngoài nguyên nhân nguồn cung đang giảm, yếu tố quan trọng nhất đẩy giá lúa gạo liên tục tăng là do nhiều nhà máy chế biến gạo xuất khẩu vẫn còn “ăn” hàng, dù không mạnh như hồi đầu tháng 4/2007. ông Dương Văn Son ở huyện Chợ Mới (An Giang), người chuyên thu mua lúa về xay xát bán cho các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu ở ĐBSCL, cho biết: “Có khoảng 40% số nhà máy thu mua gạo chế biến xuất khẩu đã ngưng mua vào do đủ hàng. Nhưng, hiện gạo đem đến bán tại nhiều nhà máy vẫn còn dễ dàng do một số nơi vẫn còn nhu cầu và số lượng các ghe đi mua lúa có giảm hơn trước vì lúa trên đồng đã hết”.

Để có gạo nguyên liệu đáp ứng nhu cầu các nhà máy chế biến, thương lái đang đổ dồn về các địa bàn vùng sâu của An Giang, Kiên Giang như: Tịnh Biên, Nhà Bàng, Ba Chúc, Hòn Đất, Châu Thành, Gò Quao... Chị Trần Thị Thu, thương lái thu mua lúa ở An Giang, cho biết: “Giá lúa tăng, nhiều người dân đã bán ra ngay từ đầu vụ, thậm chí khi lúa còn trên đồng. Nhưng cũng có nhiều người kinh tế khá, nắm được thông tin thị trường nên giữ lúa lại, chờ giá cao hơn nữa mới bán ra”. ông Nguyễn Văn Huấn, nông dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: “Năm nay lúa tốt, năng suất bình quân 7 tấn /ha. Lúc mới thu hoạch, giá 2.600 đồng /kg là lời kha khá rồi. Tôi xem báo, đài thấy sản lượng lúa ở nhiều nơi giảm mạnh, nghĩ là thị trường sẽ hút hàng, giá còn tăng nên giữ lại”. ông Nguyễn Văn Ca ở Hòn Đất thì tính toán kỹ lưỡng hơn: “Từ vụ trước, tôi đã nghe giá phân bón rục rịch tăng nên khi thu hoạch xong, tôi bán ra một ít để mua phân bón, thanh toán nợ nần. Hiện giá phân bón đã tăng chóng mặt, mỗi bao cả trăm ngàn đồng. Nếu vụ lúa hè thu tới năng suất cao thì cũng chỉ huề vốn hoặc lời chút ít, với điều kiện giá phải trên 3.000 đồng /kg”.

Nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi

Từ đầu năm 2007 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam khá thuận lợi, giá gạo xuất khẩu cao hơn bình quân khoảng 40 - 45USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu gạo ở mức 4 - 4, 5 triệu tấn. Đặc biệt, Nhà nước đã kiên quyết không cho các doanh nghiệp ký các hợp đồng xuất khẩu gạo có giá thấp hơn mức giá khung mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra. Vì vậy, khi giá lúa gạo trong nước tăng mạnh, cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Gentraco) ở huyện Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) nhận định: “Từ đầu năm đến nay, lượng gạo của các doanh nghiệp chủ yếu xuất theo các hợp đồng cung ứng gạo xuất khẩu cấp Chính phủ, còn hợp đồng thương mại do doanh nghiệp ký chỉ chiếm khoảng 5-7%. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã cân đối nguồn hàng, đảm bảo chân hàng cho các hợp đồng đã ký từ 70-80% nên không sợ bị động. Tuy nhiên, khi ký các hợp đồng mới, chắc chắn doanh nghiệp phải cân đối giữa giá đầu ra với giá đầu vào hiện nay”.

Trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu được 1, 4 triệu tấn gạo, đạt trị giá 443 triệu USD. Vừa qua, Philippin đã đồng ý mua 103.750 tấn gạo Việt Nam, kỳ hạn giao trong quý II -2007, đưa tổng khối lượng gạo trúng thầu xuất khẩu sang nước này từ đầu năm đến nay lên 1, 32 triệu tấn. Từ tháng 4-2007, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã được mở rộng sang châu Phi. Tính đến nay, cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3, 5 triệu tấn gạo (trong đó chủ yếu là các hợp đồng cấp Chính phủ). Như vậy, chỉ còn xuất khoảng 1 triệu tấn gạo nữa là đạt mục tiêu đề ra. Thời gian tới, nếu cân đối được nguồn cung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có đủ nguồn cho xuất khẩu, có thể Chính phủ sẽ xem xét, điều chỉnh, tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo theo đề nghị của các doanh nghiệp.



chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường