Với giá thành bán ra hiện nay ít nhất là 4.500 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất mỗi kg lúa khoảng 3000 đồng, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu lãi từ 30% trở lên
Lúa Đông Xuân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt năng suất cao là do các tỉnh hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu trong điều kiện hạn mặn xâm nhập; cung ứng thêm lúa giống xác nhận đủ cho bà con sản xuất; vận động nông dân sản xuất theo nhóm liên kết.
Từng cánh đồng sản xuất cùng một loại giống để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm thuận lợi. Mỗi địa phương chỉ sử dụng từ 4-5 giống chủ lực. Mỗi giống không chiếm quá 40% diện tích. Nông dân sử dụng các giống kháng rầy cao, phục hồi sau bệnh nhanh như OM 4498, OM 4495, OM 2718, OM 2517, OMCS 2000, VD 95-20, IR 64, AS 996.
Các tỉnh có quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đã sử dụng các giống đã Cục Trồng trọt khuyến cáo gồm IR 64, VND 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2718, OM 3536.
Ngoài ra, các tỉnh còn vận động nông dân mở rộng áp dụng biện pháp IPM, “ba giảm ba tăng”, " một phải năm giảm" (sử dụng giống xác nhận, giảm lượng lúa giống, giảm phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát nước (tiết kiệm nước) và giảm thất thóat sau thu hoạch). Các biện pháp nầy giúp giảm chi phí, lúa ít sâu bệnh, năng suất lại tăng.
Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tỷ lệ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long biết sản xuất theo phương pháp IPM chiếm 63%, bón phân cân đối 60%, thực hiện chương trình "ba giảm, ba tăng" 37% và sạ lúa theo hàng chiếm 34%. Năm 2001, diện tích trồng lúa giống xác nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2% nay đã tăng lên 34%.
Ngành nông nghiệp các tỉnh huy động cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để phối hợp với chính quyền cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu rầy đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo khuyến cáo khoa học.
Nhờ các biện pháp tích cực này, diện tích lúa bị nhiễm sâu rầy đều được kiểm soát tốt, không bùng phát thành dịch, không gây thiệt hại nặng.