Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong hai tuần đầu của tháng 8/2011, khu vực này đã xuất 115.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 4,1 triệu tấn, chiếm gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước, kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2010.
Thị trường xuất khẩu năm 2011 không có sự thay đổi nhiều so với năm 2010, bao gồm các thị trường châu Á (Philippines, Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Đông Timor), thị trường châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Đại Dương. Hiện số lượng khách hàng nước ngoài ký hợp đồng đặt mua tăng lên.
Dự kiến đến cuối năm 2011, lượng gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng lên từ 6-6,3 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp có số lượng gạo xuất khẩu nhiều nhất.
Năm nay, nhờ tổ chức tốt khâu sản xuất nên dịch bệnh gây hại trên lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long không đáng kể. Sản lượng lúa cả năm ước đạt từ 21,5-21,7 triệu tấn, tăng từ 500.000-700.000 tấn so năm ngoái. Nhờ vậy, nguồn nguyên liệu để tiêu dùng và chế biến xuất khẩu không thiếu.
Công tác điều hành và điều phối hoạt động xuất khẩu ngày càng khoa học hơn. Tình trạng bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sản xuất và doanh nghiệp đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Thông tin giá cả, dự báo thị trường tốt hơn nên đã duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng lượng gạo cung ứng cho khách hàng truyền thống cũng như khách hàng mới, góp phần đưa số lượng xuất khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Các địa phương mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng. Hệ thống thương lái và xay xát gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hơn và đã tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân.
Giá lúa từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, từ 5.500 đồng/kg trở lên, trong khi giá thành sản xuất phổ biến từ 3,300-3.500 đồng/kg, người trồng có lãi từ 30% trở lên./.
Theo Thế Đạt
TTXVN/Vietnam+