Theo Cục Xúc tiến Thương mại, tôm đông lạnh nhập khẩu được người Mỹ ưa thích cả về hình thức và kích cỡ phổ biến. Người tiêu dùng thường mua tôm với nhiều cỡ khác nhau, thông dụng nhất là cỡ 26-30 con/pound (pound ≈ 0,45 kg) và 36-40 con/pound. Ngoài ra, tôm sú, tôm nâu, tôm hùm cũng là mặt hàng tiêu thụ nhiều ở Hoa Kỳ. Thị trường tôm của Mỹ có xu hướng rất rõ ràng theo yêu cầu về sức khỏe và thuận lợi cho người tiêu dùng.
Cũng như thế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Hành vi tiêu dùng của người Mỹ ngày càng thay đổi thất thường theo giá cả quốc tế và cấu trúc nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, mặt hàng tôm bóc vỏ ướp đá hoặc đông lạnh vẫn là sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng Mỹ, và tập trung tiêu thụ nhiều hơn các chủng loại tôm cỡ nhỏ, giá rẻ và những chủng loại tôm có giá trị gia tăng như đã chế biến sẵn rất tiện lợi, và tốn ít thời gian chế biến.
Người Mỹ có thu nhập cao và nhu cầu sử dụng thủy sản rất đa dạng. Thông thường, tiêu thụ tôm giảm từ tháng 1 đến tháng 5, và sau đó thì sức tiêu thụ tăng cao hơn đến tháng 12. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ đã làm ảnh hưởng đến ngành dịch vụ nhà hàng, một trong những kênh tiêu thụ chính yếu đối với các sản phẩm tôm, và vì thế đã kéo theo sở thích hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ.
Hầu như người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến việc đánh bắt thủy hải sản và hậu quả đối với môi trường và xã hội của việc đánh bắt đó. Vấn đề quan tâm này thường được hướng vào các nhà bán lẻ chính và các nhà bán lẻ này phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm được sản xuất.
Các sản phẩm thủy hải sản khi nhập khẩu vào Mỹ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Chứng nhận được nhiều người biết đến là nhãn MSC (Marine Stewardship Council, Hiệp hội quản lý hàng hải, http://www.msc.org), được dán trên cái túi bán lẻ và người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy được.
Theo Bộ luật Liên bang Mỹ 21 CFR, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài nào đã thực hiện chương trình HACCP có hiệu quả mới được xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Mỹ. Đây là một hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm thông qua việc phân tích những mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm kiểm soát tới hạn.
HACCP nhấn mạnh tính nhất thiết phải kiểm soát tại các điểm kiểm soát tới hạn. HACCP nhấn mạnh tính nhất thiết phải kiểm soát dây chuyền công nghệ sản xuất để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho sản phẩm thay vì kiểm soát sản phẩm cuối cùng.
Để được phép đưa hàng thuỷ sản vào Mỹ, DN phải gửi kế hoạch, chương trình HACCP cho Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). FDA xem xét khi cần thì kiểm tra. Nếu FDA kết luận là đạt yêu cầu thì cấp phép cho doanh nghiệp đó. Tất cả các sản phẩm khi nhập khẩu đều phải có giấy chứng nhận quốc tế ISO 9002 và HACCP. Về nhãn mác, phải ghi đúng tên chủng loại thường dùng ở Mỹ.
- Xu hướng về phong cách sống
Sự phát triển của một số các nhà hàng món ăn dân tộc, nhà hàng quốc tế và các chương trình nấu ăn đặc biệt đã khơi dậy sự quan tâm của người tiêu dùng chọn nhiều các sản phẩm thủy hải sản không mang tính truyền thống. Trong thực đơn của nhiều nhà hàng, các món ăn chế biến từ tôm ngày càng phổ biến.
- Xu hướng trong những phân khúc
Có một sự khác biệt rất lớn giữa các sản phẩm đã có nhãn mác và nhãn hiệu riêng biệt. Tôm đã có nhãn mác đặc biệt rất quan trọng trong phân khúc sản phẩm đông lạnh và đã được chế biến.
Các thương hiệu có thế mạnh trong nước như tôm đông lạnh sẽ được mua nhiều trong các siêu thị, trong các hệ thống cung ứng nhà hàng. Nói chung, các sản phẩm của các quốc gia đang phát triển được bán ở các chuỗi hệ thống bán lẻ dưới thương hiệu của các công ty và tập đoàn lớn của Mỹ.
- Xu hướng đổi mới
Các chuỗi siêu thị lớn đang ngày càng có yêu cầu cao về tôm đóng gói sẵn hoặc được đóng gói trong thành những khẩu phần thức ăn nhỏ dành cho những hộ gia đình ít người. Xu hướng này có khả năng dẫn đến gia tăng khối lượng tiêu thụ. Các siêu thị cũng có nhu cầu cao về sản phẩm tôm đông lạnh đóng gói sẵn. Việc phát triển kỹ thuật đóng gói và làm lạnh mới (như đóng gói chân không) đem lại hiệu quả cao trong việc kéo dài thêm hạn sử dụng.
- Xu hướng phát triển sản phẩm/giá trị gia tăng
Đã có một sự gia tăng nhu cầu về sản phẩm giá trị gia tăng và thuận tiện. Ví dụ như tôm có kích cỡ lớn còn nguyên vỏ, tôm xiên que, tôm xếp trong khay đã được đóng gói sẵn cho người tiêu dùng, và tôm đã được chế biến sẵn cho các bữa ăn, sản phẩm tempura và chiên sẵn rất có tiềm năng để mở rộng thị trường.
Người tiêu dùng thường mua sản phẩm tôm được đóng gói thành từng phần nhỏ và tôm được chế biến sẵn để giảm bớt thời gian nấu ăn.
Nhà nhập khẩu và người tiêu dùng thường có yêu cầu cao hơn về khả năng cung cấp đều đặn và chất lượng ổn định. Đáp ứng được yêu cầu trên chỉ có thể là 2 sản phẩm sau: tôm sú cỡ từ lớn đến 25, tôm chân trắng cỡ từ 26 đến nhỏ.
Các sản phẩm giá trị gia tăng được thiết kế chủ yếu để lôi cuốn nhóm khách hàng mục tiêu, mở rộng các kênh phân phối mới (tôm dành cho bữa ăn trưa, ăn tối nhanh và ăn liền tại chỗ) và lôi cuốn khách hàng có mức thu nhập khá chi tiêu bằng cách thuyết phục họ với các sản phẩm đắt giá.