Thực tế đáng lo ngại
Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2007 các doanh nghiệp sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu của địa phương đã chế biến được 83.000 tấn thủy sản, tăng 6% so với năm trước, song chỉ hoàn thành 82% kế hoạch cả năm. Trong đó, lượng tôm chế biến được 61.000 tấn, chỉ đạt 76% kế hoạch. Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 604 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ hoàn thành 93% kế hoạch năm 2007.
Việc xuất khẩu thủy sản của Cà Mau không hoàn thành kế hoạch đề ra, các ngành chức năng cho rằng nguyên nhân chính do nguồn tôm nguyên liệu thiếu nghiêm trọng trong những tháng cao điểm, dẫn đến doanh nghiệp chỉ hoạt động 50 - 60% công suất. Bên cạnh đó, việc thị trường nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật hết sức khắt khe cũng là yếu tố làm cho hàng thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn.
Nhưng điều làm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau lo lắng là lượng hàng thủy sản xuất khẩu tồn kho đến cuối năm 2007 lên đến gần 6.000 tấn, tương đương giá trị khoảng 61 triệu USD, và cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2006. Thị phần mặt hàng tôm sú chế biến giảm mạnh do ảnh hưởng của việc tăng sản lượng xuất khẩu tôm chân trắng từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. Đây thật sự là một mối nguy lớn cho con tôm sú Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, cảnh báo: “Việc các doanh nghiệp tồn kho dưới 20% sản lượng chế biến là ở mức cho phép. Tuy nhiên, người tiêu dùng của các nước có xu hướng chuyển qua ăn tôm chân trắng là một thực tế. Mặt khác, giá xuất tôm chân trắng của các nước đang rẻ hơn tôm Việt Nam từ 30-50% làm chúng ta khó cạnh tranh, trong khi đó tôm chân trắng lại chiếm đến khoảng 70% tổng sản lượng tôm toàn cầu”.
Còn ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau, phân tích: “Những năm trước, vào mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới rất lớn, giá tôm nguyên liệu thường tăng từ 10-20% so với các mùa khác trong năm. Tuy nhiên, năm nay con tôm sú Việt Nam đang bị tôm chân trắng cạnh tranh rất mạnh tại nhiều thị trường truyền thống... Do tôm chân trắng dễ nuôi và có năng suất cao gấp 2 lần so với tôm sú, nên giá thành sản xuất hạ (thấp hơn 25%-30% so với tôm sú). Giá tôm chân trắng xuất khẩu lại rẻ hơn tôm sú từ 1-1,5 USD/kg. Với những ưu điểm nổi trội này, tại một số hội chợ quốc tế, nhiều đối tác đã quay lưng lại với tôm sú của Việt Nam, chuyển sang tôm chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc...”.
Không chỉ có những khó khăn từ thị trường, nguồn nguyên liệu cũng đang gây trở ngại cho ngành chế biến tôm xuất khẩu. Việc mất cân đối giữa phát triển công nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu thật sự đang là mối nguy lớn. Theo Phòng Quản lý chế biến và Xúc tiến thương mại - Sở Thủy sản Cà Mau, hiện nay tại khu vực ĐBSCL đang mất cân đối nghiêm trọng vì diện tích nuôi không tăng trong khi công suất chế biến tăng nóng gần 40%.
Mặt khác, sản lượng tôm nuôi đang chựng lại đã tạo ra sự mất cân đối cung - cầu nguyên liệu, làm cho các nhà máy có lúc chỉ hoạt động cầm chừng. Đặc biệt tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy đã đẩy giá thành chế biến tăng, nên sản phẩm tôm càng khó cạnh tranh trên thị trường.
Chọn lựa cách nào?
Đứng trước thách thức mới này, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau không còn lựa chọn nào khác là phải hoàn thiện chính mình để tăng năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau đang đi theo hướng bảo đảm chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Hiện nay, tất cả 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản với 27 nhà máy trên địa bàn Cà Mau đều đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Thủy sản cũ. Trong đó có 5 nhà máy đạt chuẩn ISO, 24 nhà máy có code Châu Âu. Từ đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm giúp sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp Cà Mau xuất khẩu ổn định sang thị trường 30 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Tuy nhiên, nếu các nhà máy chế biến thủy sản bảo đảm các yêu cầu chất lượng sản phẩm mà nguồn nguyên liệu vẫn không ổn định thì vẫn sẽ gặp khó khăn.
Với những diễn biến “bất lợi” từ con tôm chân trắng. Theo VASEP, người nuôi tôm sú ở ĐBSCL cần tìm giải pháp hạ giá thành nuôi tôm sú dưới 50.000 đồng/kg; thả nuôi mật độ thưa để tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó điều kiện thổ nhưỡng của nước ta, nhất là ở ĐBSCL có khả năng phát triển tôm chân trắng nếu có nguồn tôm giống bố mẹ sạch bệnh. Từ đây lại đặt ra vấn đề phải quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thủy sản thật sự bền vững.
Mặt hàng tôm mà chủ yếu là tôm sú đang chiếm trên 43,5% về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đã góp phần khẳng định thế mạnh thứ hai của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Vì thế, nếu không có giải pháp khắc phục thách thức kịp thời, thì trong năm 2008 việc xuất khẩu sản phẩm tôm khó tránh khỏi những khốn đốn khôn lường...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trên phạm vi toàn cầu, tôm chân trắng đang chiếm tới 2/3 tổng sản lượng tôm nuôi. Ở châu Á, từ năm 2001-2006, tôm sú chỉ duy trì ở một sản lượng nhất định, trong khi tôm chân trắng từ 1,5-1,6 triệu tấn ở năm 2006 ước sẽ đạt 1,8 triệu tấn vào năm 2009.