Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng
31 | 03 | 2010
Giá bán các sản phẩm thủy sản tăng đã giúp cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản hồi phục nhanh trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh đang đe dọa các đầm tôm ở nhiều địa phương, khiến tôm nguyên liệu vẫn thiếu trầm trọng.

Theo báo cáo của Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2010 ước đạt 771 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường, hầu hết các loại thủy sản vẫn đang xu hướng tăng và giá ở mức khá cao do nguồn cung yếu.

Nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặt đang đứng trước những thuận lợi, nhờ đầu ra ổn định và giá bán tăng cao. Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm nguyên liệu tăng ở  mức cao chưa từng thấy, tăng 20.000- 40.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái: tôm nguyên liệu loại 30 con/kg có giá bán 130.000 -140.000 đồng/kg; tôm loại 40 con/kg có giá bán 110.000-120.000 đồng/kg.

Giá nghêu thương phẩm, cá điêu hồng đều tăng hơn 1.000 đồng/kg so với cuối năm 2009. Giá cá tra nguyên liệu cũng đang ở mức cao rất có lợi cho nông dân, khoảng 16.500-17.500 đồng/kg. Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng trong những tuần tới giá cá tra sẽ còn tăng nữa do nguồn cung quá yếu có thể sẽ chạm mốc 18.000đồng/kg đối với cá tra thịt trắng cỡ 0,8-1kg/con.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng thủy sản quý 1 ước đạt 477.000 tấn (trong đó sản lượng tháng 3 đạt 130.000 tấn), bằng 18% so với kế hoạch cả năm, và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Việc phát triển nuôi thủy sản trên cả nước tháng 3/2010 đã có dấu hiệu hồi phục nhanh so với những tháng cuối năm 2009, đặc biệt là cá tra.

Khai thác thủy sản cũng tăng mạnh, tổng sản lượng đánh bắt quý 1/2010 ước đạt 620 nghìn tấn, tăng 25,8% so với kế hoạch, trong đó khai thác biển đạt 590 nghìn tấn.

Tuy nhiên, dịch bệnh tôm đang xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn ở các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Quảng Trị. Báo cáo của Chi cục Thú y Long An cho biết, trong tỉnh hiện đã có 1.153 ha tôm chết, chiếm 49% diện tích thả nuôi. Tôm thẻ chân trắng thiệt hại chiếm 79,6%; tôm sú thiệt hại chiếm 61,8% diện tích nuôi. Hiện tượng tôm chết hàng loạt xảy ra mạnh tại 3 huyện có diện tích nuôi tôm lớn trong tỉnh: Cần Đước mất hơn 827 ha; Cần Giuộc mất 154 ha; Châu Thành mất 63 ha...

Nguyên nhân tôm bị dịch là do chất lượng tôm giống không đảm bảo, bởi 75% tôm giống được nhập từ bên ngoài tỉnh về không qua kiểm dịch, mặt khác nguồn nước kênh cung cấp cho toàn vùng bị ô nhiễm do hóa chất từ nước thải các nhà máy. Tại Trà Vinh, trong 535 triệu con tôm sú thả nuôi đầu vụ đã có hơn 100 triệu con bị chết. Tại Bạc Liêu, khoảng 6.000 ha tôm thuộc các huyện Phước Long, Giá Rai... bị thiệt hại do nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch cao, thiếu nước gây ra.

Các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vùng trọng điểm nuôi tôm đã thừa nhận, chưa bao giờ tôm bị chết nhiều và chết nhanh như năm nay, đa số tôm thả được 1 tháng tuổi là nhiễm bệnh và chết tràn lan, dù người nuôi điều trị mọi cách vẫn không cứu được.

Dịch bệnh đang đe dọa đến sản lượng thu hoạch của các đầm tôm, trong khi còn khoảng 1,5 tháng nữa thì các vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước mới chính thức thu hoạch vụ  tôm nuôi đợt 1 năm 2010. Bởi vậy, doanh nghiệp thủy sản đang trong tâm trạng đợi chờ tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu chỉ hoạt động 50% công suất thiết kế.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu tôm đang là mặt hàng rất triển vọng của ngành thủy sản. Ngoài các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ..., năm 2010 này xuất khẩu tôm sẽ đẩy mạnh vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ riêng tôm sú, dự kiến sẽ mang về không dưới 1,4 tỷ USD trong năm nay.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường