Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long phải nhập khẩu lúa từ Campuchia
15 | 12 | 2007
Những ngày gần đây, lúa hàng hóa tăng chóng mặt. Giá lúa thường hiện nay là 3.100 - 3.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao 3.600 - 3.700 đồng/kg; lúa thơm khoảng 4.000 đồng/kg… Lúa tăng nhưng nhiều hộ ở ĐBSCL không còn lúa để bán, thương lái phải lặn lội lên biên giới Tây Nam nhập lúa từ Campuchia.

Lúa “ngoại” ào ạt nhập nội

Biên giới Tịnh Biên là nơi đang nhập lúa “ngoại” về tỉnh An Giang. Tại kênh Vĩnh Tế, nhiều thương lái và nông dân Campuchia chở lúa gạo sang Việt Nam tiêu thụ.

Nguồn lúa gạo hiện nay phần lớn là từ Campuchia đưa sang, bởi hiện phía bạn đang vào vụ thu hoạch lúa mùa. Trong khi ở An Giang chỉ mới gieo sạ nên không còn lúa. Do đó, thương lái phải ngược lên biên giới thu mua cung ứng cho các doanh nghiệp. Giá lúa thường bán tại đây là 3.000 - 3.200 đồng/kg; lúa thơm 3.400 - 3.600 đồng/kg; lúa cũ đến 4.000 đồng/kg...

Ông Giang Lâm, Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết: “Bình quân mỗi ngày có 40 - 50 người chuyển lúa từ Campuchia sang biên giới tiêu thụ. Những đối tượng này áp dụng chính sách miễn thuế hàng hóa dưới 2 triệu đồng/chuyến/người để đưa lúa sang”.

Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: “Ước tính sơ bộ, vụ mùa năm nay sản lượng lúa từ Campuchia nhập sang An Giang khoảng 200.000 tấn. Trong số này, bao gồm lúa từ Campuchia nhập khẩu sang và một số do nông dân An Giang qua canh tác phía bạn chuyển lúa về”. Thời gian qua ngành nông nghiệp An Giang thường xuyên hỗ trợ nông dân Campuchia về máy sạ hàng, thiết bị sản xuất, giúp bạn phòng chống rầy nâu, kỹ thuật canh tác lúa… Do đó, khi thu hoạch xong, bà con Campuchia thường chuyển lúa sang An Giang tiêu thụ.

Cùng với An Giang, ở biên giới Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang… lúa từ Campuchia cũng nhập sang nhưng số lượng chưa nhiều. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: “Lúa gạo của Campuchia ăn ngon, ngọt hơn gạo ĐBSCL, do họ ít sử dụng phân thuốc… Đặc biệt, nguồn lúa gạo từ phía bạn nhập qua là cần thiết nhằm góp phần giảm bớt cơn sốt giá và thiếu gạo hiện nay. Do đó, vựa lúa đi nhập lúa cũng là cần thiết”.

Giảm diện tích nhưng tăng sản lượng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong hợp đồng xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo của năm 2007, đến nay các doanh nghiệp đã giao được 4,370 triệu tấn, đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD. Số gạo còn lại sẽ tiếp tục giao trong thời gian tới. Cái được của xuất khẩu gạo năm nay là không xảy ra tranh chấp, đảm bảo an ninh lương thực và phần lớn DN có lãi. Đây là năm mà giá xuất khẩu gạo Việt Nam bằng với gạo Thái Lan. Nếu bình quân chung thì giá gạo xuất khẩu đạt 295 USD/tấn, cao hơn 41 USD/tấn so với năm 2006.

Mặt khác, chúng ta tranh thủ được các mặt hàng giá cao để xuất khẩu, như nếp đã xuất trên 230.000 tấn với giá khoảng 400 USD/tấn. Hiện tại, các DN trong nước đã ngưng ký hợp đồng xuất khẩu và ngưng mua lúa gạo nhưng trên thị trường giá vẫn tăng? Giải thích việc này, ông Trương Văn Ảnh, Giám đốc Công ty Lương thực Long An cho rằng: “Về cơ bản lượng lúa hàng hóa ở ĐBSCL không còn nhiều, trong khi miền Trung bị lũ lụt liên tục, cộng với sự tác động của thị trường gạo thế giới nên đẩy giá lúa gạo trong nước tăng cao”. Dù giá lúa có tăng nhưng phân bón, xăng dầu… cũng nhảy vọt nên lợi nhuận thu được của người trồng lúa ĐBSCL không cải thiện bao nhiêu.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận: “Thực tế diện tích trồng lúa có xu hướng giảm. Năm nay, ĐBSCL giảm khoảng 94.000 ha lúa và năm 2008 sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT chỉ đạo ĐBSCL phải giữ vững sản lượng lúa 18 - 19 triệu tấn/năm. Làm được như vậy, chúng ta phải ứng dụng KHKT để tăng năng suất. Thuận lợi là toàn vùng đã trồng trên 70% diện tích lúa chất lượng cao có thể xuất khẩu được. Vì thế mà sản lượng lúa năm nay đã tăng khoảng 549.000 tấn so với năm 2006”.

Hiện nay, các tỉnh khẩn trương gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha lúa đông-xuân; dự kiến sản lượng đạt khoảng 9 triệu tấn. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết: “Giữa tháng 12, các huyện sẽ thu hoạch 60.000 ha lúa thu-đông. Đây là vụ “lở” nhưng năng suất khá cao, khoảng 5 tấn/ha”. Tại Sóc Trăng, nông dân Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị… đang thu hoạch khoảng 140.000 ha lúa đông-xuân sớm năng suất 5 - 5,5 tấn/ha… Với nguồn lúa từ các tỉnh này, cộng với lượng lúa Campuchia nhập sang ngày càng nhiều, hy vọng cuối năm tình hình lúa gạo sẽ ít biến động.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường