Trên thị trường gạo thế giới, Ấn Độ và Pakistan vừa hạ giá chào giảm thêm; trong khi đó, giá chào bán từ Thái Lan và Việt Nam vẫn không mấy biến động. Giá gạo từ Mỹ đang giảm nhẹ; trong khi đó, giá gạo tại Nam Mỹ vẫn tiếp tục khuynh hướng đi ngang trong thời gian qua.
Giá gạo Ấn Độ 5% ở mức 465 USD/tấn; cao hơn so với mức giá chào bán từ Pakistan hiện đang ở mức 445 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái 5% đang chào bán ở mức 595 USD/tấn và giá gạo Việt 5% ở mức 560 USD/tấn. Giá gạo Mỹ 4% ở mức khoảng 620 USD/tấn. Giá gạo chào từ Nam Mỹ ở quanh mức 550 USD/tấn.
Iraq cho biết nước này đã hoàn thành việc đặt 120 ngàn tấn gạo từ Argentina, Uruguay, Brazil và Ấn Độ, với khối lượng 30 ngàn tấn chia đều cho mỗi nhà cung cấp. Một số điều đáng chú ý ở đây là Iraq đã không đặt hàng từ Thái Lan, Việt Nam hay Mỹ, thay vào đó tăng cường mua gạo từ Nam Mỹ. Iraq vẫn lưỡng lự với thỏa thuận đặt gạo từ Brazil và Ấn Độ. Iraq cho biết sẽ chỉ xác nhận đặt hàng gạo từ hai nước này sau khi kiểm tra hàng mẫu.
Trong khi đó, Indonesia tiêp tục đàm phán về thỏa thuận 250 ngàn tấn gạo với Ấn Độ. Người đứng đầu Bulog, cơ quan chịu trách nhiệm nhập khẩu gạo của Indonesia, cho biết đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước này có thể đạt thỏa thuận với Ấn Độ. Indonesia cho biết họ đang xem xét ba lựa chọn: Bulog sẽ mua gạo từ (1) chính phủ Ấn Độ; hoặc (2) các nhà xuất khẩu tư nhân của nước này; hoặc (3) một bên ủy nhiệm toàn quyền từ chính phủ Ấn Độ. Phương án 3 có vẻ sẽ không thể xảy ra và một thỏa thuận chính phủ cũng không phải là một lựa chọn khả thi do nếu chấp nhận nhập khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ, nhiều khả năng Indonesia sẽ phải hạ thuế xuất khẩu dầu cọ thô sang Ấn Độ. Do đó, nhiều khả năng Indonesia sẽ xem xét việc đàm phán với các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Rõ ràng, Ấn Độ đang nắm trong tay nguồn gạo giá rẻ dồi dào và họ muốn ký càng nhiều hợp đồng xuất khẩu càng tốt. Các nhà xuất khẩu gạo Thái đang mất khả năng giao hàng và buộc Indonesia phải tính đến một kịch bản khác là nhập khẩu khoảng 250 – 500 ngàn tán gạo từ Ấn Độ.
Cơ quan thống kê Philippines cho biết dự trữ gạo của nước này đã giảm 13% xuống mức khoảng 2,74 triệu tấn tính đến tháng 10, so với mức 3,15 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2010 nhưng nước này vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc nhập khẩu thêm gạo.
Một nhà phân tích từ ngân hàng Standard Chartered, một tron số ít nhà phân tích dự đoán chính xác về việc giá gạo sẽ không tăng trong ngắn hạn vài tháng trước đây, cho rằng bất kể chính phủ Thái nói gì về thiệt hại lúa do lũ, nước này vẫn đủ nguồn cung gạo cho xuất khẩu và giá gạo nội địa Thái Lan sẽ tăng cao do lũ trong ngắn hạn.
Ông cũng cho rằng nếu xảy ra thiếu hụt thì thị trường sẽ được bổ sung nguồn gạo từ Ấn Độ, Việt Nam và có thể là Myanmar. Ông nhấn mạnh về thu hoạch lúa trái vụ vào tháng 12 tại Thái Lan cũng có thể giúp hạn chế sự sụt giảm sản lượng.
Về giá gạo trong thời gian tới, ông dự báo giá gạo sẽ đạt mức giá cao nhất 630 USD/tấn trong quý 4 và dao động ở mức trung bình 615 USD/tấn trong những tháng cuối năm trước khi bước vào khuynh hướng giảm giá trong năm 2012.
FAO vừa công bố giá lương thực trung bình trong tháng 10/2011. Theo đó, giá gạo Thái 100% trung bình là 620 USd/tấn; giá gạo Mỹ 4% ở mức 639 USD/tấn; Việt 5% ở mức 576 USD/tấn. Argentina 10% ở mức 450 USD/tấn. Ấn Độ 25% ở mức 419 USD/tấn, Pakistan 25% ở mức 418 USD/tấn. Thái Lan 25% ở mức 556 USD/tấn và Việt Nam 25% ở mức 524 USD/tấn.
Theo dữ liệu tính toán bởi FAO, trong 10 tháng đầu năm 2011, giá gạo trung bình đắt nhất là Mỹ 4%, ở mức 576 USD/tấn; theo sau là Thái 100% B ở mức 551 USD/tấn, Việt 5% ở mức 501 USD/tấn và Argentina 10% ở mức 479 USD/tấn.
Theo gappingworld