Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VFA: Năm 2013, dự kiến xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo
14 | 01 | 2013
Theo báo cáo tổng kết xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng 2013 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013 dự kiến Việt Nam xuất khẩu 7,5 – 7,6 triệu tấn gạo.

Dự kiến mức xuất khẩu tháng 1/2013 khoảng 400.000 tấn, tháng 2/2013 khoảng 400.000 tấn và tháng 3/2013 khoảng 600.000 tấn.

Tại Hội nghị Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng xuất khẩu năm 2013, do VFA tổ chức, ngày 7/1, ông Trương Thanh Phong cho biết lượng gạo hàng hóa trong nước, năm 2013, dự tính khoảng 7,6 triệu tấn, chưa tính tồn kho năm 2012 chuyển sang nên lượng gạo xuất khẩu khoảng 7,5 - 7,6 triệu tấn.


Hiện VFA đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ về việc tăng mua tạm trữ lúa gạo trong năm 2013 lên 1,5 triệu tấn (năm 2012 mua tạm trữ 1 triệu tấn) và sẽ thực hiện ngay trong đầu quý I này để kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân với giá không dưới 5.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa.


Báo cáo tổng kết xuất khẩu gạo củaVFA cho thấy, năm 2012 sản lượng lúa của cả nước tiếp tục được nâng lên, đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2011, qua đó đã góp phần vào việc xác lập kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu trong năm của Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2012, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 7,72 triệu tấn, trị giá 3,45 tỷ USD; tăng 8,29% về số lượng và giảm 1,98% về giá so với năm 2011.


Chất lượng gạo xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực, gạo cao cấp xuất khẩu đạt 3,573 triệu tấn, chiếm đến 46,29% lượng xuất khẩu và tăng trên 79% so với năm 2011; loại gạo trung bình và cấp thấp giảm mạnh, đạt 2,719 triệu tấn, chiếm 35% và giảm tới 32% so với năm trước; lượng gạo thơm các loại cũng tăng cao, đạt 584.000 tấn, chiếm 7,57% và tăng đến 21,8% so với năm 2011...


Đáng chú ý, tỷ lệ gạo Việt Nam xuất khẩu theo hợp đồng tập trung đã giảm mạnh, từ gần 48% trong năm 2011 chỉ còn khoảng 20% năm 2012, tạo ra sự thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu, các thị trường truyền thống như Philippines và Indonesia giảm do các nước này đang hướng tới tự túc lương thực, trong khi nhiều thị trường mới lại nổi lên như thị trường châu Phi và một số nước châu Á khác.


Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2012, ông Trương Thanh Phong cho rằng công tác xuất khẩu gạođãđạt được những mục tiêu do Chính phủ đề ra, đó là tiêu thụ kịp thời sản lượng lúa gạo hàng hóa của nông dân; thực hiện có hiệu quả vào việc giữ ổn định giá lúa gạo trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm lợi ích của người dân trồng lúa trong khi giá gọa trên thị trường thế giới sụt giảm.


Theo Mạnh Hùng
Chinhphu.vn



Báo cáo phân tích thị trường