Đã thành thông lệ, mỗi khi nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa là giá lại giảm. Đó cũng là điều dễ hiểu, theo quy luật kinh tế thị trường, cung đã vượt cầu. Hàng chục năm qua người dân vựa lúa lớn nhất cả nước vẫn có thói quen thu hoạch xong là bán, thậm chí bán ngay tại ruộng. Theo họ, làm vậy khỏi tốn tiền mua bao tạm trữ, khỏi tốn công vận chuyển, không bị hao hụt (mất ký, mối mọt, ẩm mốc…). Vụ HT năm nay, nông dân thu hoạch lúa lại gặp thời tiết mưa dầm kéo dài nên nhu cầu bán lúa tươi càng tăng cao.
Ngay sau khi chương trình thu mua gạo tạm trữ để bình ổn giá được triển khai, giá lúa gạo ở ĐBSCL đang trên đà tuột dốc đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều nơi, giá lúa cũng đã tăng nhẹ chút ít. Theo VFA, sau hơn một tuần mua tạm trữ, các đơn vị thành viên của VFA đã mua được khoảng 200/400 ngàn tấn gạo trong kế hoạch dự trữ của tháng 8. “Tuy nhiên, so với khoảng 8 triệu tấn lúa HT mà nông dân vừa thu hoạch xong (chưa kể lượng lúa ĐX còn tồn đọng) thì số lượng như vậy cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Do đó, cũng chưa đủ sức kéo giá lúa tăng trở lại.
Theo phản ánh của nông dân, sau khi có thông tin về việc các Cty tăng cường mua gạo để tạm trữ, số lượng ghe đi thu mua lúa có nhiều hơn nhưng giả cả chỉ nhích lên chút đỉnh. Tại An Giang, nhiều ngày qua giá lúa dường như chỉ dậm chân tại chỗ. Cụ thể, giá lúa ĐX đứng ở mức 4.000 – 4.250 đồng/kg, lúa HT 3.900 – 4.000 đồng/kg. Ông Đoàn Ngọc Phả - PGĐ Sở NN- PTNT An Giang cho biết, dự kiến năm nay nông dân trong tỉnh SX đạt 3,4 triệu tấn lúa. Hiện tại ngoài số kho hiện có, hầu hết các Cty lương thực trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn triển khai xây dựng kho. Do đó, khó có thể thu mua hết lượng gạo dự trữ.
Người nông dân trồng lúa vẫn gặp khốn khó với điệp khúc được mùa rớt giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, trồng lúa khó có thể lãi khi mà đầu ra của hạt gạo Việt Nam vẫn còn những “nút thắt” như hiện nay.
Chuyện thiếu kho chứa đủ lớn và đạt chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu mua tạm trữ là tình trạng chung của các tỉnh ĐBSCL hiện nay. Ông Lê Văn Tâm – Phó TGĐ Cty Lương thực Hậu Giang cho biết: “Kho của Cty chỉ đủ sức chứa khoảng 20.000 tấn. Hiện Cty đang xây dựng thêm 2 kho mới với tổng sức chứa 25.000 tấn nữa. Đợt này Cty được VFA giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 10.000 tấn gạo (tương đương 20.000 tấn lúa). Đến nay Cty đã thu mua được 7.000 tấn”.
Điều đáng nói theo kế hoạch, sau khi mua tạm trữ đủ số lượng mà tình hình giá cả vẫn diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho người dân hoặc lượng lúa hàng hóa còn nhiều, VFA sẽ triển khai mua dự trữ lần hai. Như vậy chắc chắn nhiều Cty sẽ gặp khó nếu lượng gạo đã mua chưa thể xuất bán. Trong khi đó, phần lớn nông dân hiện nay chỉ dự trữ lúa bằng cách đóng bao và chất cây trong nhà. Cách dự trữ như vậy cùng lắm cũng chỉ được vài bai tháng là phải bán. Nếu để lâu hơn lúa sẽ bị ẩm mốc.
GĐ một DN lúa gạo có tiếng ở ĐBSCL phân tích: “Để giải quyết tốt đầu ra cho hạt lúa trong bối cảnh như hiện nay đòi hỏi phải đạt cả 3 yếu tố: đầu ra cho XK tốt, nguồn vốn thu mua dồi dào và có đủ kho trữ lúa gạo trong một thời gian nhất định. Với chỉ tiêu xuất 6 triệu tấn gạo và diễn biến nhu cầu thị trường hiện nay thì đầu ra tương đối rộng mở. Về nguồn vốn thì các gói kích cầu của các ngân hàng cho DN lúa gạo có thể giải quyết được. Vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với các Cty lương thực cũng như địa phương chính là khả năng về kho trữ. Điều này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết bài toán bình ổn giá cũng như thực hiện hợp đồng XK chứ chưa nói tới việc nâng cao chất lượng hạt gạo của Việt Nam”.