Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên doanh lúa gạo VN-Campuchia: Sẽ hạn chế nhập gạo lậu
21 | 08 | 2009
Vừa qua, đoàn doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đã sang Campuchia tiếp xúc với các bộ, ngành để tìm cơ hội đầu tư. Rất nhiều hợp đồng kinh tế lớn giữa hai nước đã được ký kết.

Thành lập liên doanh xuất khẩu gạo nhằm kích giá gạo xuất khẩu, cũng như hạn chế tình trạng gạo Campuchia xuất lậu sang Việt Nam. Trong đó, đáng quan tâm là doanh nghiệp hai nước sẽ đàm phán góp vốn thành lập liên doanh xuất khẩu gạo nhằm kích giá gạo xuất khẩu, cũng như hạn chế tình trạng gạo của Campuchia xuất lậu sang Việt Nam. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về vấn đề này.

Hai bên sẽ lập ra một công ty lương thực

Ông Trí cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc với Campuchia với mục đích sẽ thành lập một công ty cổ phần lương thực, thực phẩm với sự góp vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Công ty Lương thực miền Nam và một công ty thuộc Bộ Thương mại Campuchia. Công ty này chuyên về lương thực và sẽ thu mua lúa gạo của người dân Campuchia để xuất khẩu.

Mỗi năm Campuchia sản xuất lúa gạo tương đối nhiều nhưng xuất khẩu chính ngạch không được bao nhiêu, chỉ 3.000-5.000 tấn/năm. Trong tháng này, hai bên sẽ thành lập tổ chuyên viên để tiếp tục đàm phán, bàn bạc.

Tại sao đến bây giờ doanh nghiệp Việt Nam mới đặt vấn đề hợp tác kinh doanh, xuất khẩu gạo với Campuchia, thưa ông?

Sự hợp tác này nằm trong chương trình đầu tư của chính phủ hai nước. Mới đây, một đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà dẫn đầu sang làm việc, tìm hiểu đầu tư ở Campuchia. Đoàn doanh nghiệp này bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như đầu tư rừng, phân bón, nhà máy đường, hợp tác xuất khẩu gạo...

Gạo sẽ đi theo đường chính ngạch

Liệu sự hợp tác giữa doanh nghiệp lương thực hai nước có làm giảm được tình trạng gạo từ Campuchia xuất lậu sang Việt Nam như VFA thông tin cho báo chí trong thời gian gần đây?
Hiện mọi việc vẫn còn đang đàm phán, bàn bạc. Nhưng có thể khẳng định rằng khi đã có sự hợp tác, thành lập cơ sở thu mua bên đó thì việc xuất khẩu lúa gạo từ Campuchia sang Việt Nam sẽ theo con đường chính ngạch chứ không phải xuất lậu dẫn tới khó kiểm soát như trước đây.

Theo ông, nếu việc liên doanh lúa gạo Việt Nam và Campuchia thành công thì doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân của hai nước sẽ được lợi gì?

Nếu đàm phán thành công thì Việt Nam sẽ có công ty chuyên thu mua lúa gạo tại Campuchia. Sau đó công ty này sẽ chế biến rồi xuất khẩu đi các nước. Như vậy sẽ không còn tình trạng gạo Campuchia đi sang Việt Nam bằng đường tiểu ngạch - một nguyên nhân khiến giá lúa gạo trong nước lúc tăng, lúc giảm như hiện nay. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Campuchia chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư khi đường sá chật hẹp, điện chưa đủ, hệ thống cảng nhỏ bé...

Theo VFA, một nguyên nhân khiến giá gạo trong nước giảm là do lúa gạo Campuchia chất lượng thấp qua đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam cao hơn nhiều so với dự đoán của VFA. VFA từng dự đoán cả năm sẽ chỉ có khoảng một triệu tấn gạo từ Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, mới đến giữa tháng 6, lượng gạo Campuchia vào Việt Nam lên tới con số một triệu tấn và đang có chiều hướng tăng.

Đã mua dự trữ 200 ngàn tấn lúa

Tại buổi họp báo giới thiệu Festival lúa gạo Việt Nam diễn ra hôm 18-8, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong thông báo đến nay các doanh nghiệp của VFA đã thu mua được 200 ngàn tấn trong tổng số 400 ngàn tấn lúa dự trữ khẩn cấp nhằm cứu giá lúa cho nông dân. Dù VFA quy định giá thu mua tối thiểu 3.800 đồng/kg nhưng nhiều doanh nghiệp thu mua giá 2.700-2.800 đồng/kg.

Có doanh nghiệp mua với giá 3.600-3.700 đồng/kg. VFA cam kết tiến hành đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp được giao về số lượng và giá cả thu mua. Đến cuối tháng 8, nếu tình hình tiêu thụ lúa gạo vẫn chậm, VFA sẽ thu mua thêm đợt hai.



Theo PLTPHCM
Báo cáo phân tích thị trường