* Thị trường đang thuận lợi
Với việc Chính phủ đồng ý cho xuất hết lúa gạo hàng hóa, đang tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động đàm phán ký hợp đồng mới và đẩy mạnh mua lúa của nông dân. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, hiện xuất khẩu gạo của Việt nam vẫn đang khả quan vì các khách hàng nước ngoài mua gạo đang tăng trở lại vào cuối năm nay. Mục tiêu xuất khẩu 5,5-6 triệu tấn gạo trong năm nay chắc chắn sẽ đạt, thậm chí còn vượt. Tính đến hết tháng 7 này, cả nước đã xuất khẩu được 4,23 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2 tỷ USD, tăng 44% về sản lượng và 3 % về kim ngạch so với cùng kỳ. Trong khi đó chúng ta còn 5 tháng nữa để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Chính phủ cũng chủ trương không hạn chế xuất khẩu.Tuy nhiên, chúng ta phải theo dõi và quan tâm khi Thái Lan mở kho dự trữ thì cần nghiên cứu xem giá họ bán ra như thế nào để có sách lược cho việc ký họp đồng từ nay đến cuối năm .
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn cho rằng, tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm của nước ta cũng cần phải cảnh giác. Vì năm nay, cả thế giới đều được mùa, một số nước có lượng gạo còn tồn kho lớn như Ấn Độ, Thái Lan. Mặc dù Việt Nam chiếm lĩnh thị trường châu Phi từ 20-25% thị phần, tuy nhiên, Ấn Độ có lượng gạo tồn kho khoảng 20 triệu tấn nếu bán ra thì tình hình xuất khẩu gạo của nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi Thái Lan hiện tại còn tồn kho khoảng 6 triệu tấn gạo. Theo thông tin mới nhất thì Bộ Thương mại Thái Lan đã mở gói thấu vào ngày 6/8 với tổng lương gạo khoảng 765 ngàn tấn đưựoc bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Thái sẽ xuất thêm từ 2,4-3 triệu tấn gạo. Chính từ điều này làm cho giá lúa những ngày gần đây đang giảm. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp có lượng gạo thu mua xuất khẩu đứng vào tóp đầu của khu vực ĐBSCL đều cho rằng giá lúa gạo thời gian gần đây có giảm là do tâm lý thị trường, không phải do Thái Lan xuất khẩu trở lại. Các doanh nghiệp còn cho rằng hàng năm Việt Nam và Thái Lan vẫn cạnh tranh xuất khẩu gạo, điều đó rất bình thường. Vì các doanh nghiệp chỉ cần chủ động trong đàm phán, tìm kiếm họp đồng dự trữ lương thực mùa đông sắp tới ở nhiều nước... là góp phần bình ổn thị trường và đời sống nông dân.
Trong khi đó các chuyên gia khoa Nông nghiệp ở trường Đại Học Cần Thơ đã khẳng định rằng: Vụ hè thu ở nước mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, dịch hại...nhưng nếu tổ chức tốt khâu thu hoạch- sau thu hoạch, chế biến và xuất khẩu... thì doanh nghiệp trong nước chẳng cần lo ngại khi đem hạt gạo Việt nam chào hàng với nuớc ngoài.
Ông Trương Thanh Phong còn cho biết::“Hiện nay, chúng ta đang thiếu gạo cao cấp nhưng lại khó cho gạo cấp thấp, vì gạo chất lượng cao lại chạy sang Campuchia, còn gạo chất lượng thấp lại quay về Việt Nam. Nếu đến tình hình xuất khẩu chậm, Hiệp hội sẽ phân bổ chỉ tiêu xuống các công ty lương thực để mua tạm trữ, cố gắng để nông dân trồng lúa có lợi nhuận 30% theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, vụ lúa Thu đông này, các tỉnh nên khuyến cáo gieo sạ bằng các giống chất lượng cao, hướng dẫn nông dân phơi lúa thật khô để tạm trữ nhằm phục vụ cho thị trường xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp vào đầu năm tới”
Theo một số DN kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, chỉ đạo chấm dứt việc giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo hằng năm cho các địa phương của Thủ tướng Chính phủ có tác động tích cực tới thị trường lúa, gạo ở ĐBSCL.
* Cần có giải pháp phát triển thị trường lúa gạo căn cơ
Để đảm bảo nông dân sản xuất lúa có lãi thật sự, theo các chuyên gia thì cần có giải pháp phát triển thị trường lúa gạo căn cơ, lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận cho nông dân. Trước nhất, cần nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo, giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin quảng bá. Nếu làm tốt khâu này, nông dân dễ dàng quyết định sản xuất, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa và rớt giá.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nếu nói nông dân làm lúa có lãi từ 40-50%, thậm chí 60% như vụ lúa Đông xuân nhưng sao không thấy nông dân giàu. Nếu đất đai được công nhận là một hàng hóa, mà không tính vào giá thành sản xuất là một thiệt thòi cho nông dân. Hay công lao động bỏ ra cũng không được tính vào chi phí sản xuất, vì thế thấy có lời cao nhưng tính sát lại thì người dân chẳng còn được bao nhiêu. Trong khi đối tượng hưởng lợi nhiều từ hạt lúa lại là các thương buôn, đơn vị xuất khẩu. ĐBSCL là vùng trọng điểm trong xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, vì vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách thỏa đáng cho người trồng lúa. Trong tiêu thụ hàng hóa, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, qua nghiên cứu tại thị trường nội địa tiềm năng hiện nay vẫn còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hết. Ngoài ra, vai trò của Nhà nước trong điều tiết lúa gạo nên có chính sách mua gạo dự trữ, nhất là những lúc giá cả biến động theo chiều hướng thấp để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người nông dân. Cần triển khai nhanh chương trình 2 triệu m2 nhà kho để mua gạo tạm trữ trong vụ lúa Hè thu cũng như những vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, hạn ngạch xuất khẩu phải thay đổi từng thời điểm, chứ không nhất thiết phải cố định và cần đưa ra giá sàn xuất khẩu phù hợp. Nếu nói quan tâm đến người trồng lúa nhưng lại không nghĩ cặn kẽ, thấu đáo thì người nông dân sẽ còn gặp khó khăn...
Còn TS Trần Du Lịch phân tích: “Nhà nước cần quy định rõ những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải lo kho dự trữ ra sao, cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực như thế nào? Giữ trong kho bao nhiêu để đảm bảo an ninh lương thực? Không thể để doanh nghiệp thích mua thì mua, thích bán thì bán”.
Một thống kê cho thấy: 50% công việc do nông dân đảm nhận nhưng họ chỉ nhận 11% tổng giá trị tăng thêm. Trong khi đó 9,6% công việc thuộc về người bán buôn nhưng họ lại nhận đến 66,8% tổng giá trị tăng thêm. Sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của chuỗi giá trị này cũng là nguyên nhân làm cho nông dân vẫn nghèo. Giảm trung gian tiêu thụ sẽ làm tăng giá trị hạt gạo và có lợi cho nông dân, nhưng ai sẽ đảm trách công việc này?
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: “Đối với cây lúa ở ĐBSCL, “liên kết vùng và tham gia 4 nhà” rất quan trọng. Liên kết sẽ giúp thực thi các kế hoạch và chiến lược sản xuất lúa và an ninh lương thực. Qua đó, tìm sự đồng thuận từ những nguồn lực nhà nước, xã hội để sản xuất và tiêu thụ nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân”.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè thu tại ĐBSCL có khoảng 18% diện tích được gieo sạ bằng giống IR 50404, với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, vượt chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT giao cho các tỉnh. Mặc dù giá cả, sức mua của loại lúa này có chiều hướng tốt, tuy nhiên, dự báo sắp tới đây khi thu hoạch rộ, khả năng tiêu thụ lượng lúa này sẽ gặp không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã thống nhất đưa ra giá bảo hiểm cho vụ lúa Hè thu là 3.800 đ/kg. Nếu thị trường giá cả biến động theo chiều hướng thấp, xuống dưới mức giá bảo hiểm thì Nhà nước sẽ bù lỗ để giúp nông dân an tâm sản xuất.