Có những dự án triển khai không hiệu quả để lại nỗi xót xa, tiếc nuối cho hàng ngàn, hàng vạn nông dân khát khao một mảnh đất để trồng trọt.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp thì việc thu hồi đất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đô thị hoá cũng là thời cơ tốt nhất để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy vậy, có một thực trạng là, hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước thu hồi đất rồi bỏ trống để cho các nhà đầu tư sang nhượng kiếm lời bất chính, hoặc chính quyền các địa phương quy hoạch đất nông nghiệp làm khu công nghiệp (KCN), nhưng không triển khai thực hiện, gây ra nghịch cảnh: đất bỏ hoang nông dân lại không đất sản xuất.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2005 cả nước có 130 Khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng diện tích 26.520 ha do Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài ra, còn có trên 200 cụm công nghiệp do Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành lập với tổng diện tích 13.991 ha và trên 10.000 ha đất các khu kinh doanh tập trung khác. Tổng cộng cả 3 hạng mục, “ngốn” hết 50.511 ha đất nông nghiệp, phần lớn bờ xôi, ruộng mật, làm ăn dễ dàng, giao thông thuận lợi. Theo khảo sát mới đây của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động nông thôn bị mất việc. Như vậy, con số tương ứng với diện tích đất bị thu hồi sẽ là gần 657 nghìn nông dân không có việc làm. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các khu đô thị lớn, hàng loạt dự án được phác thảo, toàn những ý tưởng tốt đẹp, song vì nhiều lý do dự án không triển khai được, hoặc triển khai chậm, “treo” ngắn thì một vài năm, dài thì, có khi hơn cả chục năm; có những dự án triển khai không hiệu quả để lại nỗi xót xa, tiếc nuối cho hàng ngàn, hàng vạn nông dân khát khao một mảnh đất để trồng trọt. Sau khi thu hồi đất, người nông dân đa số chuyển sang làm thuê, chạy xe ôm, buôn gánh, bán bưng ở gần các khu công nghiệp. Thiếu việc làm ắt dẫn đến nghèo đói và theo đó là các tệ nạn xã hội phát triển, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút năm sau nhiều hơn năm trước.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên – Môi trường: Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc chỉ đạt 50%; nghĩa là còn 50% diện tích đất bỏ trống trong tình trạng để cho cỏ mọc. Hiện có 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích 2000 ha được thành lập từ trước năm 1998, song đến nay tỷ lệ lấp đầy vẫn chưa “quá bán”. Xin nêu một vài điển hình: đó là khu chế xuất Hải Phòng có quy mô 150 ha, thành lập từ năm 1997, nhưng đến nay chỉ cho thuê được 1 ha. Cũng tại Hải Phòng, Khu công nghiệp Nomura với diện tích 153 ha, thành lập từ năm 1994, nay mới cho thuê được 39 ha. Như vậy, hơn 10 năm qua Hải Phòng đã bỏ trống 263 ha đất trong khu chế xuất và khu công nghiệp. Thủ đô Hà Nội cũng không chịu thua, Khu công nghiệp Đài tư, Daewoo Hanel quy mô trên 200 ha, thành lập từ những năm 1995 – 1996 nhưng đến nay mới cho thuê được 5 ha. Hà Nội vốn là thành phố được xếp vào hàng “4 Đ”: đất đai đắt đỏ. Vậy mà, chỉ mới qua 2 dự án, 195 ha đất đã bị bỏ trống cả chục năm nay. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 quy mô 226 ha thành lập từ năm 1996, nay cũng mới cho thuê được 20 ha.
Có thể nói, nỗi bức xúc của dân đã làm nóng nghị trường. Một trong những vấn đề rất nóng được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại kỳ họp thứ 9 quốc hội khoá XI vừa qua là nạn thu hồi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp rồi… để hoang. Tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Kim Thanh (Bình Phước) đã phát biểu: “Rất nhiều vùng bờ xôi, ruộng mật hàng năm có thể sản xuất hàng trăm triệu đồng/ha như làng lúa, làng hoa, làng đào nhưng khi được thu hồi xong thì xây tường cho cao, rào cho chặt để giữ cỏ hoang. Nhiều doanh nghiệp xí chỗ, nhận phần chứ không sản xuất như dự án đã xin đất. Nhiều chỗ bỏ hoang hoặc cho thuê làm dịch vụ không đúng mục đích sử dụng”. Đại biểu Đỗ Trọng - Ngoạn bức xúc: “Quy hoạch treo là một tác hại cho chính phủ, cho dân, làm khổ dân”!
“Tức đất thì… kiện”. Theo kết quả kiểm tra thi hành luật đất đai của bộ Tài nguyên – Môi trường, trong tổng số 17.480 đơn thư khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai gửi tới các đoàn kiểm tra của bộ, có tới hơn 70% khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Mai Ái Trực đã ký quyết định về việc kiểm tra tình hình sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư. 5 đoàn công tác được thành lập để kiểm tra trực tiếp tại 15 tỉnh, thành đang “nóng”; các địa phương sẽ “rà” lại tình hình sử dụng đất của mình để báo cáo bộ. Bộ Tài nguyên – Môi trường đang tỏ rõ quyết tâm “hạ nhiệt” vấn đề đất đai, xử lý dứt điểm các quy hoạch “treo” và dự án “treo” vào nửa năm 2007. Đất đai là chuyện lớn và rất phức tạp, dù quyết tâm cao một mình Bộ Tài nguyên – Môi trường khó làm xuể. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải tập trung chỉ đạo, nâng cao kỷ cương trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất đai./.