Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hấp lực thị trường Campuchia
27 | 08 | 2009
Campuchia đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 10 -2004 và đang theo đuổi chính sách mở cửa thị trường, tự do hóa nền kinh tế. Với những chính sách mời gọi đầu tư cởi mở, Campuchia đang thu hút sự quan tâm của không ít doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, từ lĩnh vực nông nghiệp cho đến viễn thông, tài chính - ngân hàng...

Dường như cứ 10 người đến Phnôm Pênh thì có đến chín người ngạc nhiên vì sự phát triển của thành phố này. Campuchia chính thức thoát khỏi nội chiến cách đây chưa lâu, song Phnôm Pênh bây giờ mang dáng dấp của TPHCM hơn 10 năm trước. Nhiều tòa nhà cao tầng đang nhanh chóng mọc lên.

Campuchia có dân số khoảng 14 triệu người, chủ yếu là người Khmer, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và viện trợ nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế tập trung chủ yếu ở một số ngành trọng điểm như dệt may, du lịch, khai khoáng. Gần 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Campuchia đều đạt từ 9-10% và năm 2009 dự kiến tăng 6%.

Đồng bằng chiếm một nửa diện tích của Campuchia và nền nông nghiệp đang có những thay đổi lớn. Nếu như những năm 1980 đa phần dân chúng sống dưới mức nghèo khổ thì sau cuộc “Cách mạng xanh” năm 1987, lần đầu tiên Campuchia đủ gạo cho nhu cầu trong nước.

Những cánh đồng lúa trước đây bị bỏ hoang, năm 2003 đã cho sản lượng 4,2 triệu tấn, năm 2008 đã đạt 7,2 triệu tấn, so với chỉ 2,4 triệu tấn vào năm 1990. Hiện Campuchia có khả năng xuất khẩu trung bình trên 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Campuchia, đóng góp đến 31% GDP hàng năm. Trong các sản phẩm nông nghiệp, lúa vẫn đóng vai trò chủ đạo (chiếm 90% trong tổng diện tích đất canh tác) và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Ngoài ra, Campuchia còn có một số mặt hàng khác như bắp, mía, đậu tương, sắn, các loại trái cây như chuối, cam, xoài, đu đủ, măng cụt... Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, khai thác và chế biến thủy hải sản của Campuchia cũng đang có sự phát triển khá nhanh.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 của Campuchia đạt 4,616 tỉ đô la Mỹ với các thị trường lớn là Mỹ, Đức và Anh. Những mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm dệt may, cao su, gỗ, gạo, thuốc lá, giày dép. Kim ngạch nhập khẩu năm 2008 của Campuchia đạt 6,424 tỉ đô la Mỹ với các mặt hàng chính là dầu, vàng, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, dược phẩm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Singapore...

Trong bữa tiệc chiêu đãi các doanh nhân Việt Nam nhân dịp ra mắt hãng hàng không Cambodia Angkor Air - liên doanh giữa Vietnam Airlines và Chính phủ Campuchia - vào tối 26-7 tại thủ đô Phnôm Pênh, cầm trên tay món tráng miệng là hộp sữa chua Vinamilk, Chan Dara (29 tuổi), trợ lý của Phó thủ tướng Men Sam An, nói với tôi rằng Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ bảy ở Campuchia và giao thương giữa hai nước đang ngày một sôi động do nhận thức của nhiều người Campuchia đã dần thay đổi.

Anh nói trong quá khứ có những điều người Campuchia và người Việt Nam hiểu chưa hết về nhau nhưng nay khoảng cách đó đang dần thu hẹp. Chan vừa du học ở Anh về gần một năm. Anh cho rằng một đất nước cũng như con người, không thể không có bạn và lại càng không thể quay lưng với người ở ngay bên cạnh mình. Chan kể tên một số doanh nghiệp Việt Nam mà anh biết đến như Vietnam Airlines, Gemadept, Mai Linh, T&T, Toserco, Vinamilk, AceCook, Phân bón Bình Điền, Bút bi Thiên Long, Sacombank...

Theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, tính đến tháng 3-2009 số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia đã lên tới hơn 400 đơn vị, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính... Còn tính trong 20 năm qua đã có 28 dự án với tổng vốn đăng ký 228 triệu đô la Mỹ đầu tư vào thị trường này, chiếm 8% về vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Các lĩnh vực đang được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều là thủy điện, khai khoáng và viễn thông.

Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là mì ăn liền, sản phẩm nhựa, thuốc lá, bánh kẹo, bắp giống, hàng gia dụng, rau quả... và nhập khẩu từ Campuchia các loại nguyên liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ô tô, gỗ, cao su... Kim ngạch buôn bán hai chiều hàng năm tăng trưởng khoảng 40%/năm. Năm 2002 là 240 triệu đô la Mỹ, năm 2007 là 1,1 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2008 đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ. Dự báo đến năm 2010 con số đó có thể đạt 2 tỉ đô la Mỹ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng đều ở mức gấp 5 lần so với kim ngạch nhập khẩu và Việt Nam là nước xuất siêu.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, hoạt động thương mại giữa hai nước chủ yếu vẫn theo con đường trao đổi biên mậu, mang tính tự phát, chưa có định hướng về thị trường và cơ cấu ngành hàng, chưa tương xứng với tiềm lực của hai bên.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đơn vị vừa mở một ngân hàng con và một công ty bảo hiểm tại Campuchia, ông Trần Bắc Hà, nhận định Campuchia là thị trường còn hoang sơ và rất nhiều cơ hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện ngành sản xuất nông nghiệp Campuchia còn những hạn chế như năng suất thấp, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn (có khi lên tới 30%) do thiếu máy móc, thiết bị và sản phẩm chủ yếu mang tính chất mùa vụ, số lượng và giá trị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trên thực tế, Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thô, chưa qua chế biến do công nghệ chế biến còn ở trình độ thấp.

Chủ trương của Chính phủ Campuchia là ưu tiên cho nhà đầu tư được sử dụng đất, bao gồm đất chuyển nhượng hoặc thuê dài hạn, trong những lĩnh vực như thủy lợi, nuôi trồng hải sản, tinh chế dầu cọ, chế biến thực phẩm, trồng và chế biến cao su, chế biến đường, sợi đay... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, mua, dự trữ các sản phẩm nông nghiệp hoặc các dự án chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho thị trường Campuchia.

Trong lĩnh vực tài chính, hiện hai phần ba số ngân hàng tại Campuchia là của nước ngoài. Tính đến ngày 30-6-2009, Campuchia có 25 ngân hàng thương mại, nhiều tổ chức tài chính vi mô, quầy thu đổi ngoại tệ nhưng xét tổng thể thì quy mô vẫn rất nhỏ, tổng tài sản toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại chỉ có 4.284,9 triệu đô la Mỹ, bằng 28% tổng tài sản của BIDV. Huy động vốn toàn thị trường đạt 2.467,2 triệu đô la Mỹ, tổng dư nợ là 2.409,7 triệu đô la Mỹ. Việc huy động vốn của các ngân hàng ở Campuchia còn nhiều hạn chế, dịch vụ nghèo nàn, thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, hoạt động kinh doanh ngoại hối hầu như không có và cũng chưa có các giao dịch phái sinh hay thị trường trái phiếu.

Tổng phí toàn thị trường bảo hiểm Campuchia năm 2007 đạt xấp xỉ 17,5 triệu đô la Mỹ, tăng 40% so với năm 2006. Do thị trường vốn và các công cụ tài chính ở Campuchia chưa phát triển nên hầu như chưa có thị trường đầu tư tài chính. Các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có diễn ra nhưng vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ chứ chưa hình thành thị trường.

Khung pháp lý cho các giao dịch cũng chưa được hình thành mà chỉ dựa trên các luật, quy định cơ bản. Campuchia dự kiến thành lập thị trường chứng khoán trong năm 2009 nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do quan ngại về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên nền kinh tế Campuchia, đặc biệt là các ngành bất động sản, du lịch và xuất khẩu dệt may. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đang tham gia hỗ trợ Campuchia trong việc triển khai thành lập thị trường chứng khoán đầu tiên này.



Theo Thời báo KTSG
Báo cáo phân tích thị trường