Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su Campuchia tăng 37% trong năm 2017
02 | 01 | 2018
Theo Tổng cục Thống kê Campuchia, xuất khẩu cao su tự nhiên của Campuchia tăng gần 37% trong năm 2017, lên 190.000 tấn.

Ông Pol Sopha, tổng giám đốc Tổng cục Cao su tại Bộ Nông nghiệp Campuchia, cho hay, trong năm 2017, xuất khẩu cao su Campuchia tăng 50.000 tấn so với năm 2016. “Kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên của Campuchia tăng theo từng năm, với các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Việt Nam, Malaysia, Singapore và Trung Quốc”. Diện tích trồng cao su tại Campuchia cũng tăng liên tục, hiện đạt gần 7.000 ha trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Sopha cũng nhận định cao su tự nhiên đang đối mặt với tình trạng bất ổn giá triền miên trên thị trường quốc tế. Trong những tháng cuối năm 2016, giá cao su tự nhiên xuất khẩu đạt 1.700 USD/tấn, nhưng trong quý 1/2017, giá xuất khẩu lên tới 2.200 USD/tấn. Tháng 12/2017, giá giảm xuống 1.600 USD/tấn. Ông cho biết thêm rằng giá cao su tự nhiên sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. “Giá cao su sẽ sớm tăng trở lại. Nhưng nông dân và thương nhân luôn cần cần trọng trước sự biến động giá hàng hóa này”.

Ông Sopha cho biết diện tích cho mủ cao su hiện đang ở mức cao, bày tỏ lạc quan về sự mở rộng của ngành cao su tại Campuchia. “Chúng tôi có rất ít nhà máy chế biến cao su và chính phủ mong muốn tăng số lượng nhà máy để giá cao su ổn định hơn”. Chính phủ Campuchia hiện đang ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến cao su như một cách để tạo công ăn việc làm tại nước này.

Theo ông Lim Heng, phó chủ tịch doanh nghiệp xuất khẩu cao su lớn của Campuchia là An Mady Group, ông có cùng nhận định và kêu gọi chính phủ Campuchia tạo cơ chế để thuận lợi hóa quy trình xuất khẩu và thu hút thêm các nhà đầu tư. “Các thị trường chính của Campuchia hiện là Việt Nam và Malaysia. Chúng tôi kêu gọi chính phủ đàm phán với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cao su. Đồng thời, chúng tôi cũng cần thêm các nhà đầu tư đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Các nhà đầu tư địa phương lo ngại không tìm được thị trường do Campuchia còn yếu về thương hiệu và chất lượng”.

COFCO, nhà chế biến, sản xuất và giao dịch  thực phẩm lớn nhất Trung Quốc, trong tháng 12/2017 đã thông báo thành lập một nhóm công tác tại Campuchia để tìm hiểu năng lực của thị trường nông sản Campuchia, bao gồm mở rộng nhập khẩu hàng loạt hàng hóa từ Campuchia và đầu tư vào cơ sở hạ tầng địa phương. Cao su nằm trong số rất nhiều nông sản Campuchia mà COFCO quan tâm. Thông báo này đưa ra trong cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh giữa phó thủ tướng Campuchia kiêm chủ tịch Hội đồng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Campuchia Yim Chhayly với chủ tịch COFCO Patrick Yu.

Theo Khmer Times (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường