Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu khu vực phía Nam đang đối mặt với nhiều thách thức!
12 | 04 | 2010
Quý 1/2010, mặc dù hoạt động xuất khẩu của cả nước tăng trưởng chậm nhưng hoạt động xuất khẩu của khu vực phía Nam vẫn khá sôi động với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,96 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cũng như tình hình chung của cả nước, hoạt động xuất khẩu trong khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ nhập siêu tăng cao.

Trong 7,96 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực phía Nam trong quý 1/2010, vùng Đông Nam Bộ chiếm 6,76 tỷ USD, tăng 16,3%, vùng Tây Nam Bộ có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,21 tỷ USD, tăng 12%. Hầu hết các tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn đều đạt tốc độ tăng trưởmg cao so với cùng kỳ như Bình Dương tăng 65,2%; Long An tăng 33,1%; Cần Thơ tăng 29,4%; An Giang tăng 23% ; Đồng Nai, tăng 18,5%. Duy chỉ có TP.Hồ Chí Minh là giảm tới 26,8 % so với quý 1/2009. Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia: trong 3 tháng đầu năm 2009 một số doanh nghiệp của thành phố có xuất khẩu vàng đạt 1.478,2 triệu USD. Đây là mặt hàng đặc biệt mà bắt đầu từ quý II/2009 không có. Vì vậy, nếu không tính cả dầu thô và vàng thì kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong quý 1 năm nay tăng 16,7% so với cùng kỳ 2009.

Tuy kim ngạch xuất khẩu của khu vực phía Nam trong quý 1/2010 đạt kết quả rất khả quan nhưng nhìn chung hoạt động xuất khẩu của khu vực này vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Khối lượng các mặt hàng nông sản, khoáng sản và vàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó có một số mặt hàng do các doanh nghiệp chủ động giảm xuất khẩu, như dầu thô để phục vụ cho chế biến trong nước, còn gạo, cà phê do giá cả biến động theo hướng bất lợi nên chưa đẩy mạnh xuất khẩu… Riêng mặt hàng gạo trong quý I/2010, khu vực phía Nam xuất khẩu ước đạt 1,1 triệu tấn. Tình hình xuất khẩu gạo trong quý I cũng không thuận lợi, do nhu cầu nhập khẩu của các nước chưa cao, trong khi nguồn gạo trong nước tăng, giá gạo xuất khẩu trên thị trường giảm khá mạnh. Một số doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng thương mại do giá sàn xuất khẩu gạo theo quy định của hiệp hội lương thực còn cao hơn so với giá thị trường...

Bên cạnh khó khăn về nguồn hàng, thị trường, giá cả..., các doanh nghiệp xuất khẩu còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn được đề cập đến nhiều nhất vẫn là nguồn vốn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền: hiện nay hạn mức tiền mặt của các ngân hàng cho vay còn quá nhỏ giọt, thêm vào đó đến khi doanh nghiệp có nhu cầu về tiền mặt thì ngân hàng lại kêu hết tiền, chỉ cho vay USD và doanh nghiệp lại phải chịu thêm rủi ro do biến động tỷ giá.

Ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc công ty Thương mại dịch vụ du lịch Vinh Sang cũng cho biết, mặc dù đã có quy định về lãi suất thỏa thuận nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vay vốn vẫn phải chịu mức lãi suất mà ngân hàng đưa ra. Ngay cả khi chấp nhận vay với lãi suất cao, các doanh nghiệp cũng không được đáp ứng đủ nguồn tiền cần vay để mua nguyên liệu khi vào mùa sản xuất.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2010 sẽ có nhiều diễn biến bất lợi cho cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu và khả năng nhập khẩu tăng cao rất có thể xảy ra. Để giữ được tỉ lệ nhập siêu bằng 20% kim ngạch xuất khẩu không phải là vấn đề đơn giản. Chỉ tính riêng khu vực phía Nam trong quý 1/2010 tuy đạt xuất siêu 123,6 triệu USD, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào Vùng Tây Nam Bộ, với 714,2 triệu USD, còn vùng Đông Nam Bộ thì lại nhập siêu đến 590,7 triệu USD...

Do vậy, một trong những điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu là công tác xúc tiến thương mại cũng cần được quan tâm hơn nữa trong năm 2010. Đây sẽ là điều kiện tốt để các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và địa phương thực hiện các chương trình tìm kiếm thị trường, bạn hàng một cách hiệu quả hơn nhằm tạo lực đẩy cho hoạt động xuất khẩu.



Theo Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường