|
Nhiều củ, quả nhập khẩu là sản phẩm biến đổi gen - Ảnh: N.C.T. |
Một số nhà khoa học và quản lý về nông sản sử dụng công nghệ sinh học ở VN cũng cho hay các sản phẩm biến đổi gen, thực phẩm chế biến từ nông sản biến đổi gen đã được sử dụng nhiều năm nay.
99% đậu nành nhập khẩu là sản phẩm biến đổi gen
Theo TS Nguyễn Quốc Bình, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, VN chưa chính thức trồng cây biến đổi gen, do đó hầu hết sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến làm từ sinh vật biến đổi gen đang có trên thị trường đều là hàng nhập khẩu. Trong đó nhiều nhất là các loại bắp, đậu nành, khoai tây...
Đặc biệt, có đến 99% hạt đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Argentina... là sản phẩm biến đổi gen. Điều này đồng nghĩa với nhiều sản phẩm chế biến khác như: sữa đậu nành, dầu thực vật, nước tương, đậu hũ... sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu đều được chế biến từ công nghệ biến đổi gen.
Việt Nam sắp trồng bắp biến đổi gen Theo TS Lê Huy Hàm, viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã cấp phép để các nhà khoa học triển khai trồng ngô (bắp) biến đổi gen trong nước. Trong khoảng từ nay tới tháng 5 bắt đầu trồng thử nghiệm. Đây là một công nghệ mới nên tất cả cây trồng biến đổi gen sẽ phải được đánh giá những rủi ro tác động lên con người, môi trường trong thời gian tối thiểu hai năm. Loại gen được chọn để gây biến đổi trong bước thử nghiệm này gồm hai loại là gen kháng sâu và gen kháng thuốc diệt cỏ. |
TS Đinh Thị Mỹ Hiền, người chịu trách nhiệm đề tài “Khảo sát sự có mặt của GMO (sinh vật biến đổi gen) trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường TP.HCM” (do Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM và Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3- Quatest 3 thực hiện), cũng khẳng định nhiều mẫu sản phẩm như khoai tây, hạt bắp, đậu nành... được lấy ngẫu nhiên từ 17 chợ và siêu thị trên địa bàn TP.HCM khi kiểm nghiệm đã cho kết quả có biến đổi gen.
Trong đó có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Philippines...
Trong khi đó, các đầu mối chuyên nhập khẩu bắp, đậu nành hạt... vào TP.HCM cho biết mỗi tháng có hàng ngàn tấn đậu nành, bắp được nhập về TP. Ngoài phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, một số lượng lớn đậu nành, khoai tây... nhập khẩu còn được dùng làm thực phẩm chế biến và sử dụng trực tiếp.
Anh Nguyễn Quý (đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh), một đầu mối chuyên nhập khẩu đậu nành hạt từ Mỹ, cho biết mỗi tháng đơn vị này nhập về 5-6 container (tương đương trên 100 tấn).
Như vậy, sản phẩm biến đổi gen trên thị trường hiện nay rất lớn.
Khó nhận biết bằng mắt thường
Các nhà khoa học của Quatest 3 cho rằng việc phát triển cây trồng chuyển gen làm giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và lợi nhuận trong nông nghiệp. Nông sản chuyển gen cũng có giá trị dinh dưỡng không thua kém so với sản phẩm truyền thống. Đặc biệt, khoai tây chuyển gen có lượng tinh bột cao hơn khoai tây thường (do được cấy gen làm tăng tinh bột).
Tuy vậy, nhiều người lo ngại sản phẩm chuyển gen có khả năng tiết ra chất gây dị ứng, ảnh hưởng đến môi trường, có thể diệt một số loài sâu có lợi, khả năng phát tán gen ra các cây trồng khác... Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng lợi ích của cây trồng chuyển gen là năng suất cao, nhưng vấn đề còn lo ngại là tác động của nó đến đa dạng hóa sinh học.
Theo ông Bình, bằng mắt thường không thể nhận biết được điểm khác biệt của sản phẩm biến đổi gen. Từ màu sắc đến kích cỡ hạt... đều giống sản phẩm thông thường. Chỉ riêng trái bắp, sản phẩm truyền thống thường bị sâu đục ở phần đầu trái, còn sản phẩm biến đổi gen do không bị sâu ăn nên hạt bắp sẽ mọc vút đầu trái.
Tuy nhiên khi ra thành phẩm, bắp, đậu, khoai tây, cà chua... đều đã được tách ra, dạng hạt, thành phẩm nên người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt nếu có dán nhãn và thông tin đầy đủ.
Theo quyết định 212/2005 ký tháng 8-2005, các sinh vật biến đổi gen, các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được phép nhập vào VN sử dụng cho sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các sản phẩm này phải ghi rõ trên bao bì.
Tuy nhiên, khảo sát của Tuổi Trẻ tại thị trường TP.HCM cho thấy hoàn toàn không có các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến sử dụng nguồn thực phẩm nhập khẩu được dán nhãn như quy định.
Chưa đủ quy định quản lý sản phẩm biến đổi gen Tại cuộc hội thảo ở Hà Nội về quản lý thực phẩm biến đổi gen mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận năng lực và nhân lực nghiên cứu thực phẩm biến đổi gen ở VN chưa đáp ứng được yêu cầu, VN đang thiếu công nghệ và kỹ thuật đánh giá rủi ro với sinh vật biến đổi gen. Quy chế quản lý an toàn sinh học với sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen có ưu việt như có thể làm tăng mùi vị, cảm quan, làm chín muộn hoặc bổ sung văcxin ăn được vào sản phẩm, thay đổi hàm lượng dinh dưỡng, nhưng cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như gây dị ứng, lờn kháng sinh... ở người sử dụng. Tại hội thảo “Truyền thông tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” tổ chức ngày 14-4 ở Hà Nội, trưởng đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tại VN Andrew W. Speedy cho hay phần lớn thực phẩm biến đổi gen trên thế giới hiện nay mới sử dụng gen biến đổi để tăng cường khả năng phòng chống sâu bệnh, côn trùng và tăng cường vitamin, chưa phát hiện tình trạng gây độc cho người sử dụng. |