- Một số địa phương cho rằng, trước đây việc quy hoạch ĐCN-TTCN làng nghề chưa nghiên cứu kỹ nên việc triển khai xây dựng một số điểm phần nào không khả thi, vậy chúng ta đã rà soát xem xét lại quy hoạch chưa?
- Việc xây dựng quy hoạch chuyên ngành chỉ được thực hiện trên địa bàn Hà Nội (cũ) vào năm 2005 còn tỉnh Hà Tây (cũ) chưa xây dựng quy hoạch khu, cụm công nghiệp mà chỉ xác định danh mục các khu, cụm, ĐCN và lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển CN-TTCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Vì vậy, việc xây dựng các ĐCN-TTCN làng nghề chưa bài bản, một vài điểm thiếu tính khả thi là khó tránh khỏi. Sau khi mở rộng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cũng như công nghiệp của Thủ đô trong giai đoạn tới, bảo đảm sự phát triển cân đối theo không gian địa lý và quản lý tốt quỹ đất hiện có... thành phố đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khi quy hoạch này hoàn thành sẽ là cơ sở để rà soát lại tổng thể việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, trong đó có các ĐCN-TTCN làng nghề.
- Trong điều kiện hiện nay, thành phố có chủ trương phát triển các ĐCN-TTCN làng nghề thế nào để làm đòn bẩy phát triển CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn?
- Hiện nay, khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu, cụm công nghiệp, chủ trương của thành phố là hình thành một số cụm công nghiệp làng nghề trong khu vực các huyện hoặc các cụm xã để đảm nhận vai trò "đòn bẩy" phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn ở các địa bàn này. Các địa điểm bố trí hình thành cụm công nghiệp làng nghề phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, thuận lợi cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, vận chuyển, bảo quản nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm… Không nhất thiết mỗi làng nghề xây dựng một ĐCN-TTCN.
- Ông có suy nghĩ gì về hạ tầng kỹ thuật các ĐCN-TTCN làng nghề của thành phố hiện nay?
- Trước đây để giảm suất đầu tư cho các nhà đầu tư thứ phát nên việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đều giao cho BQL đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư với nguồn vốn hạn hẹp. Tuy nhiên, xây dựng ĐCN làng nghề là giải pháp tích cực giúp các hộ mở rộng sản xuất, giải quyết bức xúc về môi trường nên trong thời gian tới, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ĐCN-TTCN làng nghề sẽ được chú trọng từ khâu lập dự án, thiết kế và thi công trong đó khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng làm chủ đầu tư, đồng thời thực hiện cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
- Thành phố sẽ chỉ đạo xử lý thế nào đối với các ĐCN-TTCN làng nghề bị "biến tướng" trở thành các khu giãn cư bất hợp pháp?
- Thực ra, trước đây, các ĐCN-TTCN làng nghề được hình thành để giải quyết khó khăn bức xúc của các cơ sở sản xuất làng nghề mang tính nhất thời và triển khai trước khi có Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp. Vì vậy có những điểm yếu trong quá trình triển khai xây dựng và quản lý dẫn đến tình trạng biến tướng là có thật. Thành phố đã giao cho Sở Công thương chủ trì với các ngành đề xuất biện pháp xử lý.
Để tránh không để xảy ra trường hợp cụm CN làng nghề bị biến tướng, trên cơ sở Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đặc thù của Hà Nội, UBND TP đã giao cho Sở Công thương xây dựng và hoàn thiện dự thảo "Quy định về đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động các cụm CN trên địa bàn TP Hà Nội". Trong đó, các dịch vụ công cộng, tiện ích như bảo vệ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong cụm và các dịch vụ tiện ích khác do đơn vị kinh doanh hạ tầng tổ chức thực hiện.
- Việc xây dựng ĐCN-TTCN làng nghề nhằm đạt hai mục đích, vừa phát triển kinh tế nông thôn, vừa bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội. Vậy thành phố có cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện cho các hộ năng lực tài chính yếu cũng có thể thuê đất bên trong ĐCN-TTCN làng nghề?
- Nếu song hành cả hai mục đích này là rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho các hộ có năng lực tài chính yếu cũng có thể thuê đất trong ĐCN-TTCN làng nghề, UBND thành phố đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ này. Ngoài các cơ chế chung như đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào, còn có các cơ chế hỗ trợ riêng cho ĐCN-TTCN làng nghề nhằm làm giảm suất đầu tư như hỗ trợ kinh phí lập đề án xin chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết và kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường... Với các ĐCN-TTCN làng nghề phục vụ mục đích di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường còn được xem xét xây dựng theo cơ chế đặc thù như nếu không có đơn vị kinh doanh hạ tầng đăng ký đầu tư thì cho thành lập trung tâm phát triển ĐCN-TTCN làng nghề làm chủ đầu tư, hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng hạ tầng, duyệt giá thuê đất cho nhà đầu tư thứ phát thuê… ngoài ra còn hỗ trợ các cơ sở này kinh phí thực hiện di dời.
- Xin cảm ơn ông!