Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đua tăng giá vì hám lợi
16 | 04 | 2010
Ngoài tăng theo giá thế giới, giá nhiều mặt hàng trong nước tăng vì chạy theo lợi nhuận

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận về đợt kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và thuế đối với 4 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là thép, phân bón, gas và đường. Đợt kiểm tra này được 17 đoàn thực hiện từ ngày 15 đến 19-3.


Đường tăng giá 74% - 80%


Kết quả thanh tra cho thấy đường là mặt hàng có mức tăng gây sốc nhất. Từ tháng 3-2009, doanh nghiệp sản xuất đường đã tăng giá nhiều lần, giá bán bình quân tháng sau so với tháng trước tăng từ 2%-16%. Mức tăng cao nhất là giá bán đường vào tháng 9 so với tháng 1-2009 tăng 48%-66%. Đến tháng 12-2009, giá đường đã tăng từ 74%-80% so với tháng 1.


Giá thép đã tăng mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 3. Tính đến ngày 23-3, giá thép đã tăng gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Trong đó, Tổng Công ty Thép VN tăng giá 4 lần với mức bình quân 1.300 đồng/kg (13%), Công ty Kim khí Hà Nội tăng giá 21 lần với mức tăng 6,07%.


Mặt hàng phân urê trong quý I/2010 đã tăng giá từ 1 đến 4 lần, mức tăng từ 4,5%-16,1%. Phân NPK thường và hạt, phân bón tổng hợp khác tăng giá từ 100-200 đồng/kg (từ 2%-5%).



Cuối năm 2009, giá đường đã tăng 74% - 80% so với đầu năm 2009. Ảnh: TẤN THẠNH


Năm nay, giá gas trong quý I cũng tăng 2 lần với mức tăng bình quân từ 3%-4,59% so với cuối năm 2009. Để bình ổn giá mặt hàng này, Hiệp hội Gas VN đang đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu mặt hàng LPG (khí hóa lỏng) từ 5% xuống 2%.

Qua kiểm tra tại 3 công ty, Bộ Tài chính nhận thấy nếu giảm thuế theo đề xuất, giá gas chỉ giảm tương ứng 375,3 đồng/kg, tương đương với 4.500 đồng/bình 12 kg (1,6%). Đây là mức giảm không đáng kể, lại phải điều chỉnh chính sách nên cần nghiên cứu kỹ.


Tăng giá vì lợi nhuận


Theo Thanh tra Bộ Tài chính, nguyên nhân cơ bản của tình trạng tăng giá 4 mặt hàng thiết yếu nói trên vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 là do lệ thuộc giá thế giới. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân do lợi dụng để tăng giá kiếm lời, việc quản lý Nhà nước còn bất cập.


Một vấn đề được các đoàn thanh tra phát hiện là nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Tỉ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Công ty Cổ phần là 22%; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 45%... Đối với doanh nghiệp kinh doanh đường, tỉ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu cũng ở mức khá cao là từ 7,6%-25,4%. Đây là cơ sở để xem xét, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất trong nước giữ ổn định hoặc giảm giá bán trong năm 2010.


Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị doanh nghiệp phải thực hiện rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành. Đồng thời can thiệp kịp thời khi có biến động về giá, duy trì tồn kho ở mức cần thiết để có thể tham gia bình ổn thị trường.

Về phía Bộ Tài chính, cần nhanh chóng sửa đổi các quy định để phù hợp với tình hình thực tế. 

Truy thu 13,7 tỉ đồng thuế

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Trong số 17 doanh nghiệp được kiểm tra, có 12 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký giá nhưng chỉ có một doanh nghiệp thực hiện.

Có 3 doanh nghiệp không niêm yết giá bán. Thanh tra Bộ Tài chính đã ra 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá với tổng số tiền 80,5 triệu đồng, trung bình chỉ hơn 6 triệu đồng cho mỗi vụ vi phạm.


Các đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số doanh nghiệp kê khai thuế chưa đúng và ra quyết định truy thu hơn 13,7 tỉ đồng tiền thuế tại 5 doanh nghiệp.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường