Hoạt động giao dịch cà phê đặc biệt sôi động ở các nước sản xuất như Braxin, Colombia, Việt Nam.
Theo một báo cáo được đăng trên website Commodity Online, cà phê là mặt hàng đựơc giao dịch nhiều nhất thế giới trong năm qua. Cà phê được chia làm hai loại là arabica và robusta. Cà phê đựơc sản xuất ở rất nhiều quốc gia, từ Nam Mỹ, châu Á đến châu Phi. Mỹ và châu Âu là những thị trường tiêu thụ cà phê chủ lực.
Trong năm qua, do phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số nước xuất khẩu cà phê đã có các biện pháp nhằm hỗ trợ những người trồng cà phê của họ. Chính phủ Colombia và Liên đoàn Cà phê Quốc gia đã ký một thoả thuận bảo đảm giá cà phê tối thiểu cho người nông dân.
Sự biến động của thị trường tiền tệ ở một số nước xuất khẩu cũng ảnh hưởng tới họat động xuất khẩu cà phê trong năm qua. Tại nhiều nơi, đồng USD mạnh so với nội tệ đã giúp hoạt động xuất khẩu tăng tính cạnh tranh và giúp tăng thu nhập. Tuy nhiên, nó lại khiến chi phí đầu vào cũng như giá các thiết bị nông nghiệp cần thiết cho ngành cà phê trở nên đắt đỏ hơn khiến người nông dân giảm đầu tư cho cây trồng này và hậu quả là cả chất lượng lẫn sản lượng cà phê trong tương lai sẽ sụt giảm.
Trên thị trường, các nhà đầu tư và các quỹ hàng hoá dự đoán sản lượng cà phê của Braxin sẽ giảm trong niên vụ 2010 do chu kỳ giảm sản lượng ở cây cà phê arabica. Nguồn cung cà phê toàn thế giới cũng sẽ sụt giảm, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng.
Hiện tại, tiêu thụ cà phê thế giới tăng trưởng 2% mỗi năm. Nó đã tăng từ 104,6 triệu bao năm 2000 lên 128 triệu bao trong năm 2008 và dự kiến sẽ đạt 132 triệu bao trong năm 2010. Tuy nhiên sự tăng trưởng về tiêu dùng không được phân bố một cách đồng đều. Tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh tại các nền kinh tế đang nổi như Nga và Ukraina và cả ở các nước sản xuất cà phê như Braxin.
Nhu cầu về các loại cà phê cũng thay đổi nhanh chóng. Loại robusta và cà phê tự nhiên của Braxin (Brazilian Naturals) đã tăng từ 54% năm 1990 lên 63% vào năm 2008, trong khi nhu cầu cà phê arabica dịu sạch (Washed Arabicas) lại giảm từ 46% xuống còn 37%.
Với loại robusta, nhu cầu lại tăng đối với cà phê xuất xứ từ Việt Nam, từ 2% năm 1990 lên 16% vào năm 2008, trong khi cà phê xuất xứ từ châu Phi lại giảm từ 21% xuống còn 12% trong thời gian này.
Ấn Độ hiện chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Tuy nhiên trong tương lai, những người trồng cà phê nước này có khả năng sẽ gia tăng thị phần của mình trên thị trường thế giới do Ấn Độ xuất khẩu tới hơn 80% tổng sản lượng mà họ sản xuất ra.