Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để ngành cà phê phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
20 | 12 | 2008
“Làm thế nào để ngành cà phê phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?” là vấn đề chung mà các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và cả đại diện người nông dân trồng cà phê đặt ra tại cuộc hội thảo cùng chủ đề, diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2008(10-13/12/2008.

Nâng cao hiệu quả xuất khẩu bằng cách nào?

Từ chục năm trở lại đây, cà phê Việt Nam có vị trí quan trọng và là nước cung cấp nguyên liệu cho thị trường thế giới. Trên 90% trong tổng số hơn 950.000 tấn sản xuất ra đều được xuất khẩu. Hai vụ 2006/2007 và 2007/2008, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước đã đạt từ 1,5 tỷ USD lên 2 tỷ USD.

Niên vụ 2007/2008, cả nước xuất khẩu được 1.077.375 tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 2.087 triệu USD, giảm chút ít về lượng so với vụ 2006/2007 nhưng tăng 31% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.937 USD/tấn, tăng 16% so với niên vụ trước. Do giá cà phê thế giới tăng cao nên giá bán cà phê trong nước đạt mức bình quân 29.000-30.000đ/kg, có thời điểm đạt gần 40.000đ/kg. Với mức giá này, người sản xuất bù đắp được chi phí và sản xuất có lãi.

Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu và Mỹ vẫn là các thị trường trọng điểm (châu Âu: trên 396 ngàn tấn, chiếm 39,6% tổng sản lượng; Hoa Kỳ: hơn 116 ngàn tấn, đạt 10,77% tổng sản lượng). Ở khu vực châu Á thì Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn nhất với 52 ngàn tấn, Hàn Quốc: gần 40 ngàn tấn…

Mặc dù việc xuất khẩu cà phê trong những niên vụ gần đây khả quan như vậy, nhưng do nhiều nguyên nhân, mặt hàng này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Trương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, do thiếu thông tin và việc tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau nên nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng những cơ hội tốt cũng như hạn chế được những rủi ro từ thị trường. Mặt hàng xuất khẩu đơn điệu, chủ yếu xuất khẩu cà phê vối nhân sống (robusta), cà phê chè (arabica). Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn là điểm yếu nhất làm giảm uy tín cũng như giá của cà phê nước ta trên thị trường quốc tế. Sản phẩm xuất khẩu chỉ dựa trên một số tiêu chí đơn giản về phần trăm hạt đen vỡ, tạp chất và thủy phần. Phương pháp tính lỗi vẫn chưa được áp dụng, sản phẩm. Sản phẩm xuất khẩu phần lớn ở mức độ sơ chế…

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa nấm mốc cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được quan tâm thường xuyên. Vấn đề xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam, thương hiệu cho từng doanh nghiệp chậm được triển khai thực hiện, đã làm hạn chế lớn đến vị thế cà phê Việt Nam.

Từ những thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra khá nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất khẩu mặt hàng này. Điều quan trọng nhất là phải củng cố chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, quản lý cây trồng tổng hợp, thực hành chế biến tốt… Thứ đến là đa dạng hóa chủng loại sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt thị trường nước ngoài. Có bước đi thích hợp nhằm khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước là yếu tố quan trọng trong cân đối cung cầu, ổn định sản xuất. Thêm vào đó, nhà nước cần đầu tư xây dựng trung tâm thông tin chuyên ngành có đủ điều kiện để nghiên cứu, dự báo tình hình cung cầu, giá cả, thị trường, khách hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ. Tăng cường công tác quản lý chất lượng trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản bảo đảm cho sản phẩm cafe đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có chương trình, kế hoạch áp dụng TCVN 4193:2005 trong kiểm định, thông quan, sao cho tiêu chuẩn cà phê Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn cà phê quốc tế.

Trên hết, các doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt các phương thức ký kết hợp đồng xuất khẩu đồng thời với việc áp dụng các nghiệp vụ bảo hiểm giá để hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu. Đưa cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê vào hệ thống phân phối của các nhà phân phối lớn sẽ không những đẩy mạnh tiêu thụ cà phê trong nước mà còn mở rộng tiêu thụ cà phê Việt Nam ra thị trường nước ngoài theo hệ thống phân phối toàn cầu của các doanh nghiệp này.

Tầm nhìn mới của cà phê Việt Nam

Tham luận của PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam – cho thấy một cách tiếp cận mới về ngành cà phê nước ta. Nhìn trong dài hạn, sự lên xuống thất thường với biên độ lớn của cung-cầu và giá cả cà phê trên thị trường thế giới, cùng với những tác động của nó đến hoạt động kinh doanh cà phê Việt Nam, một cách tự nhiên dẫn tới những đánh giá khác nhau, kỳ vọng khác nhau, mức độ lòng tin khác nhau đối với triển vọng của ngành cà phê Việt Nam. Sau 20 năm phát triển mang tính bùng nổ, tuy đã được thế giới thừa nhận là “cường quốc cà phê” nhưng cần phải dũng cảm nhìn nhận, Việt Nam mới chỉ là “cường quốc sản xuất và bán hạt cà phê”, thậm chí là một “cường quốc cà phê nông dân”, chỉ được chia phần giá trị gia tăng ít ỏi và bị động. Vấn đề đặt ra là liệu hạt cà phê Việt Nam có đủ điều kiện, năng lực để thay đổi vị thế thực sự? Để làm giàu thực sự nhờ cây cà phê và trở thành cường quốc cà phê theo đúng nghĩa chỉ có một cách: chuyển nhanh phương thức tồn tại từ “trọng nông” sang “trọng thương”.

Nói cách khác, các nhà kinh doanh Việt Nam phải chủ động tham gia vào lĩnh vực phân phối, tiêu thụ cà phê thế giới chứ không chỉ tiếp tục chỉ là người cung cấp hàng thô. Mục tiêu phụ trợ, cũng là định hướng thực hiện nhiệm vụ này là: giảm dần khối lượng cà phê thô cung cấp cho các nhà độc quyền, mở rộng dần thị phần cà phê chế biến của Việt Nam và do người Việt Nam cung cấp, doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần tăng mức tiếp cận đến người trực tiếp tiêu thụ cà phê trên thế giới. Muốn vậy, ngoài việc tăng thị phần và nâng cao chất lượng cà phê chế biến, Việt Nam nên xây dựng và phát triển mạng lưới bán hàng toàn cầu. Cà phê Việt Nam không thể đủ uy tín để chinh phục thế giới một khi chưa chinh phục được chính người dân Việt Nam. Nói như vậy có nghĩa là, các doanh nghiệp trong nước cần mở mạng lưới tiêu thụ cà phê chính tại Việt Nam. Tạo ra hệ thống liên kết trong kinh doanh cà phê trên thị trường nội địa có thể là một trong những định hướng chiến lược kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam tại thị trường nội địa cần chú trọng nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh tiếp thị và tiêu thụ bằng cách phục vụ nhu cầu thưởng thức cà phê hòa tan hay pha sẵn - đang là cách mà một số công ty cà phê đang lựa chọn. Hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, hệ thống phân phối, giá cả mặt hàng hiện hành, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch mua, bán, ký gửi cà phê trong nước và quốc tế. Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng đề xuất, trên cơ sở rút kinh nghiệm sàn giao dịch vừa chính thức khai trương ở Buôn Ma Thuột và học tập kinh nghiệm các sàn giao dịch lớn trên thế giới, cần tiến hành xây dựng Đề án phát triển hệ thống phân phối cà phê trong nước, phấn đấu đến năm 2015 đưa vào hoạt động 1-2 sàn giao dịch cà phê tại Tây Nguyên hay TP.Hồ Chí Minh, áp dụng các phương thức mua bán hiện đại như giao dịch kỳ hạn… phòng ngừa rủi ro khi có biến động giá trên thị trường.

Ngoài việc nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ một Chương trình quốc gia phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam, khuyến khích thực thi Dự án xây dựng “Thánh địa cà phê Tây Nguyên”… Đây là những biện pháp cần làm ngay, được đông đảo các chuyên gia, các doanh nghiệp tại hội thảo đồng lòng nhất trí.



Nguồn: vinanet.
Báo cáo phân tích thị trường