Với mức giá trị xuất khẩu xấp xỉ đạt 2 tỷ USD như hiện nay, mỗi năm người trồng cà phê thiệt hại ít nhất 200 triệu USD (khoảng 3.600 tỷ đồng). Xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng của cà phê xuất khẩu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD).
Ông Tiến cho biết: Năm 2009, sản lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt 1,16 triệu tấn, tăng 2,6% về lượng nhưng giảm tới 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
- Là một người nghiên cứu về thị trường, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc chậm triển khai các quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng của cà phê Việt Nam?
- Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo tôi, trước hết phải kể đến chính sách. Chúng ta tuy ủng hộ và khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng dongân sách hạn chế nên hoạt động này chưa được lồng ghép với các hoạt động khuyến nông. Về phía các doanh nghiệp, mặc dù biết rõ lợi ích của sản xuất cà phê theo quy trình và giá trị gia tăng của cà phê có chứng chỉ nhưng do năng lực tài chính còn hạn chế nên các doanh nghiệp chỉ triển khai dự án trên phạm vi nhỏ, hoạt động của các dự án này chủ yếu dưới dạng tập huấn và phổ biến thông tin. Về phía người trồng cà phê, chênh lệch giá thu mua cà phê nhân sản xuất theo quy trình và chăm sóc truyền thống trên thị trường tự do không lớn nên chưa tạo được động lực để họ thay đổi nhận thức và hành động. Điểm qua các mô hình thành công, chúng tôi nhận thấy đa số đều được thực hiện thông qua dự án, như trường hợp tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững tại Di Linh (Lâm Đồng) chẳng hạn.
Một nguyên nhân nữa là việc cải tiến quy chuẩn chất lượng cà phê diễn ra chậm, nỗ lực đưa tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam (TCVN 4193: 2005) ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế chưa được các doanh nghiệp đón nhận. Các doanh nghiệp và nhà rang xay vẫn sử dụng tiêu chuẩn cũ (TVCN 4293: 2003) và trông chờ cơ quan chức năng ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật mới tương đương với Tiêu chuẩn quốc tế ISO 10470.
- Hệ quả của của việc cải thiện chất lượng cà phê chậm chạp là gì. Khi chúng ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc chậm cải tiến chất lượng sẽ đem lại những bất lợi gì cho nông dân Việt Nam?
- Chất lượng cà phê chậm cải thiện đã dẫn đến giá cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn các sản phẩm cùng loại. Với mức giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD như hiện nay, mỗi năm người trồng cà phê thiệt hại ít nhất 200 triệu USD (khoảng 3.600 tỷ đồng).Nhưng theo tôi, đây mới là những ảnh hưởng trong ngắn hạn và cái giá phải trả cũng chưa lớn.
Trong tương lai gần, điều gì xảy ra đối với ngành cà phê Việt Nam, nếu các nước tiêu thụ cà phê chính như Mỹ, EU chuyển sang tiêu thụ cà phê đặc sản và cà phê có chứng nhận? Chắc chắn xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ bất lợi hơn về giá và thị trường. Khả năng cà phê Việt Nam gặp phải các rào cản kỹ thuật trong khuôn khổ Tổ chức WTO khi thâm nhập các thị trường Mỹ và EU cũng không ngoại trừ. Kinh nghiệm từ ngành hàng hồ tiêu và các sản phẩm gỗ đang vấp phải hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cho thấy, nếu ngành cà phê Việt Nam không sớm thay đổi và hành động, khó khăn sẽ càng ngày tăng lên.
- Vậy theo ông, chúng ta cần phải có chính sách như thế nào đối với ngành cà phê tới đây?
- Nâng cao chất lượng cà phê không phải là một công việc có kết quả ngay, nó đòi hỏi một quá trình và có những bước đi phù hợp. Trước mắt, ngành cà phê Việt Nam cần xem xét và điều chỉnh TCVN phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, biện pháp này nhằm quản lý chất lượng đầu ra sản phẩm và làm tăng uy tín sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp hội Cà phê - Ca cao cũng cần xây dựng Chương trình thương hiệu cà phê Việt Nam và đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện. Theo kinh nghiệm của Columbia, chương trình này phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ người sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng nội địa, theo đó, sản phẩm cà phê ngoài tên thương hiệu còn có các thông số cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua internet.