Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu bằng quy trình sản xuất cà phê sạch
12 | 08 | 2009
Xây dựng một thương hiệu là quá trình lâu dài, cần công sức của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó quan trọng nhất là người trồng cà phê. Quy trình sản xuất cà phê sạch đã có, vùng đất đã rõ, chất lượng cà phê không vùng nào có được, tin rằng thương hiệu cà phê "Buôn Ma Thuột" sẽ nổi tiếng trong vài năm tới.

Xác định giống là yếu tố kỹ thuật quan trọng hàng đầu, tạo ra bước đột phá trong năng suất, phẩm chất cây trồng cũng như các đặc tính chống chịu sâu bệnh hại... thời gian qua, Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo thành công hàng chục giống mới cà phê vối, cà phê chè và giúp các nông hộ, doanh nghiệp đưa vào sản xuất đại trà đạt hiệu quả kinh tế cao, thay cho các giống cà phê đã thoái hóa. Ngoài ra Viện còn nghiên cứu, đề xuất các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây cà phê như chế độ bón phân hợp lý, xác định lượng nước tưới thích hợp, tiết kiệm cho cà phê kinh doanh, cây trồng xen các loại cây lâu năm trong vườn cà phê... Các nghiên cứu đó được phổ biến đến với bà con nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên mở hơn 150 lớp đào tạo, tập huấn, với 5.000 lượt người tham dự, gồm cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cấp xã, bà con người dân tộc thiểu số tiêu biểu sản xuất cà phê tại các vùng chính ở các tỉnh Tây Nguyên. Nội dung đào tạo, tập huấn khá phong phú, như kỹ thuật tuyển chọn, nhân giống cà phê, kỹ thuật tỉa cành, tạo hình, ghép cải tạo cà phê vối, quản lý dinh dưỡng, những điều cần biết về thu hoạch, chế biến cà phê... Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đối với cây cà phê đã góp phần đưa diện tích cà phê của cả nước tăng lên hơn 525.000 ha, năng suất đạt bình quân 19,6 tạ/ ha (năm 2008). Từ năm 2003 đến 2008, năng suất tăng khoảng 0,8 tạ/ha, đạt sản lượng xuất khẩu một triệu tấn/năm. Năm 2008, giá trị xuất khẩu cà phê đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng bốn lần so năm 2003, là bước tiến vượt bậc của ngành cà phê, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Riêng tỉnh Ðác Lắc niên vụ 2008-2009 có 182.434 ha cà phê, trong đó có 173.233 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 23,78 tạ/ha, sản lượng đạt 415.494 tấn, tăng so với vụ trước 90 nghìn tấn.

Các đơn vị sản xuất cà phê ở Ðác Lắc đang áp dụng biện pháp thâm canh tiến bộ, sản xuất thân thiện với môi trường, nhằm cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm cà phê, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Công ty cà phê Buôn Hồ, đơn vị đứng chân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Ðác Lắc, là đơn vị thí điểm của Tổng công ty Cà phê Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất cà phê sạch. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm công ty cải tạo những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng phương pháp ghép cây (dòng vô tính) với chồi ghép được lấy từ những cây cà phê có đặc tính ưu việt. Công ty đã tạo được vườn cà phê phát triển đồng đều, tỷ lệ sản phẩm cà phê R1 tăng. Năm 2008, công ty lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến cà phê ướt tiên tiến, bảo đảm chế biến toàn bộ sản phẩm cà phê quả tươi của đơn vị và của người dân liên kết sản xuất. Trong mùa thu hoạch, công ty thực hiện hái quả chín hơn 90% và khi đưa vào xưởng chế biến sản phẩm được quản lý trên từng công đoạn theo tiêu chuẩn 10CTN 95-98. Nhờ vậy, sản phẩm có chất lượng cao, giá trị một tấn sản phẩm cà-phê nhân xuất khẩu cao hơn cùng loại 41 đến 45 USD, thu nhập của người lao động tăng thêm 150.000 đến 200.000 đồng.

Công ty cà phê Thắng Lợi (Ðắc Lắc) có hơn 2.000 ha cà phê, trong đó phân vùng sản xuất cà phê an toàn, sạch với diện tích là 1.200 ha. Quá trình đầu tư chăm bón, công ty thực hiện nghiêm ngặt việc bón phân hữu cơ vi sinh, phân vô cơ theo tỷ lệ hợp lý, vừa tăng độ phì cho đất, vừa bảo đảm cho vườn cà phê phát triển, sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, công ty chỉ đạo người trồng tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm. Công ty sử dụng hơn 20% sản lượng cà-phê quả tươi thu hoạch đưa vào chế biến sản phẩm cà phê bột chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm cà phê nhân sau khi xuất xưởng đạt chất lượng cao hơn so với những sản phẩm được chế biến khô, giá trị thu được cũng cao hơn từ 5 đến 7%. Phát triển được vườn cà phê sạch công ty đã mở xưởng chế biến cà phê bột chất lượng cao COFFE VICTORIA với sản lượng từ 500 đến 800 tấn sản phẩm/năm.

Không chỉ các đơn vị nói trên mà hiện nay trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc nhiều công ty trồng cà phê đã thực hiện sản xuất cà phê sạch bằng việc áp dụng quản lý dịch hại IPM, tăng sản lượng cà phê chế biến quả tươi, quản lý chặt chẽ việc thu hái, thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Ðoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, người có nhiều năm tham gia quản lý ngành cà phê Việt Nam thì việc xây dựng thương hiệu cà phê là một thành công không chỉ cho ngành cà phê ở Ðác Lắc mà có ảnh hưởng rất lớn đối với ngành cà phê Việt Nam, qua đây mở ra bước phát triển mới cho ngành cà phê với chiến lược phát triển cà phê bền vững.

Xây dựng một thương hiệu là quá trình lâu dài, cần công sức của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó quan trọng nhất là người trồng cà phê. Quy trình sản xuất cà phê sạch đã có, vùng đất đã rõ, chất lượng cà phê không vùng nào có được, tin rằng thương hiệu cà phê "Buôn Ma Thuột" sẽ nổi tiếng trong vài năm tới.

(Theo Nhân Dân)



Báo cáo phân tích thị trường