Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Sản lượng cà phê nhiều, nhưng chất lượng chưa cao
13 | 08 | 2007
Đắc Lắc có 17.400 ha cà phê vối (Rubusta), trong đó có 16.600 ha vườn cây cho thu hoạch. Năng suất cà phê đạt trung bình 2 tấn nhân/ha, cao nhất cả nước. Sản lượng cà phê đạt khoảng từ 310.000 tấn đến 340.000 tấn, chiếm trên 40% sản lượng cà phê của cả nước.
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch từ 200 triệu đến trên 300 triệu USD. Riêng năm nay, sản phẩm cà phê xuất khẩu đạt 345 triệu USD chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của toàn tinh, cao nhất từ trước tới nay. Tuy sản xuất được lượng cà phê nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm còn bị hạn chế, sức cạnh tranh sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới chưa cao, nên còn bị ép giá và chịu nhiều thua thiệt trong buôn bán.

Nhờ đầu tư thâm canh và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng vườn cà phê nâng cao, năng suất tăng lên. Công ty Cà phê 53 (thuộc Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) đã đạt được năng suất bình quân trên 3,5 tấn nhân/ha. Các doanh nghiệp như Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty Cà phê Phước An (do tỉnh quản lý), Công ty Cà phê Ea Sim, Công ty Cà phê Việt Đức (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) đã đạt năng suất từ 2,8 đến 3 tấn nhân/ha. Nhiều vùng chuyên canh cà phê phát triển trên diện tích rộng lớn đạt năng suất cao và đồng đều. Tại xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, cà phê đạt năng suất 4 tấn nhân/ha cao nhất toàn tỉnh; một số hộ thâm canh cao, trên diện tích hẹp đã đạt năng suất 6 tấn đến 7 tấn nhân/ha.

Trong quá trình phát triển cây cà phê, một điều nghịch lý là người dân chỉ tập trung nguồn vốn lớn phát triển diện tích vườn cây, tập trung thâm canh để đạt năng suất cao, sản lượng nhiều, nhưng không quan tâm đến việc đầu tư cho việc xử lý sau thu hoạch nên chất lượng sản phẩm chưa được nâng cao. Do việc đầu tư các thiết bị cho dây chuyền sản xuất tốn kém nên số cơ sở áp dụng công nghệ chế biến ướt (chế biến từ quả tươi) cà phê trong tỉnh còn quá ít. Hiện nay, các doanh nghiệp như Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty Cà phê Phước An, Công ty Cà phê tháng 10, Công ty Cà phê Việt Thắng, Công ty Cà phê Ea Sim... là những đơn vị có nhiều diện tích cây công nghiệp đã lắp đặt dây chuyền chế biến ướt cà phê. Những cơ sở sản xuất này chỉ mới xử lý được trên 50% lượng cà phê quả tươi, chế biến thành nhân xô xuất khẩu. Nhờ áp dụng công nghệ chế biến ướt, chất lượng sản phẩm đã được nâng cao, bán được giá, kinh doanh có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, số cơ sở kinh doanh cà phê chế biến ướt chỉ mới chế biến một lượng cà phê chiếm tỉ lệ rất thấp so với sản lượng cà phê quá lớn được sản xuất hàng năm tại địa phương.

Từ trước tới nay, người nông dân ở Đắc Lắc chỉ tập trung cho việc trồng, đầu tư thâm canh cà phê để thu được sản lượng nhiều, nhưng không lo việc làm sân phơi, trang bị máy sấy, làm nhà kho bảo quản sản phẩm. Theo các nhà chuyên môn, khi có 1 ha cà phê kinh doanh cần phải có 1.000 m2 sân phơi mới đáp ứng cho yêu cầu phơi khô sản phẩm trong mùa thu hoạch. Với diện tích sân này, nông dân phơi mỏng lớp quả cà phê nên nhanh khô, không để ẩm mốc hạt, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Thực tế hiện nay, rất ít hộ nông dân làm sân phơi cà phê. Nếu có diện tích sân phơi, cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với yêu cầu phải phơi lượng cà phê quá lớn trong vụ thu hoạch tập trung. Khá nhiều hộ nông dân có từ 3 ha đến trên 10 ha cà phê, với sản lượng thu hoạch từ 40 tấn đến 150 tấn quả cà phê tươi nhưng không có một m2 sân phơi. Trong mùa thu hoạch, do lượng cà phê nhiều, nông dân huy động người tuốt thật nhanh một lần cả quả chín đỏ, cả quả xanh, quả non, quả nẫu, quả khô về chất đầy nhà. Đó là chưa kể, trong mùa thu hoạch cà phê thường bị kẻ xấu quấy nhiễu, nông dân phải mất khá nhiều công bảo vệ. Với quan niệm, thà "xanh nhà còn hơn già đồng" bà con phải tranh thủ thu hái thật nhanh, hái cả quả chín và quả xanh đưa về nhà. Vì không có sân phơi có khi cà phê quả tươi chất đống cả hơn chục ngày trên nền đất làm cho quả bị ẩm mốc và bị đen hạt và hấp mùi của đất và tạp chất. Không ít gia đình hái cà phê quả tươi về đem đổ lên nền đất phơi lâu ngày, khi gặp mưa, sản phẩm bị đen mốc, bị biến chất, biển đổi thành phần dinh dưỡng trong hạt. Gần đây giá cà phê lên cao, vì tâm lý lo ngại giá biến động thất thường, nên khi vừa mới bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2006-2007, nhiều gia đình đã vội vàng tuốt hết cả quả xanh quả non, khẩn trương phơi khô sơ chế thành nhân xô đem bán, không cần biết chất lượng sản phẩm như thế nào.

Trong thời gian qua, nhiều nhà chuyên môn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã có ý kiến về việc cần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê; nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuộc họp chuyên đề bàn luận việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê; nhiều tài liệu hướng dẫn cho nông dân sản xuất đạt năng suất cao và phổ biến biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Trong đó, có việc vận động nông dân hái quả chín và hướng dẫn cách chế biến, bảo quản sản phẩm. Tuy vậy, đến nay người nông dân ở Đắc Lắc chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp xử lý sau thu hoạch, nên chất lượng sản phẩm không được cải thiện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, năm 2004, số cà phê nhân nước ta kém chất lượng đã bị loại chiếm 78% lượng cà phê thế giới bị loại. Năm 2005, số cà phê Rubusta bị loại chiếm 89% so với cả thế giới, tương đương với 1,65 triệu bao. Với số sản phẩm cà phê chiếm tới trên 40% lượng cà phê của cả nước, Đắc Lắc có một lượng cà phê bị loại lớn và bị thiệt hại một khoản tiền hàng chục triệu USD. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, việc thu hoạch cà phê quả xanh đã làm giảm 20-30% sản lượng nhân. Bên cạnh đó, việc hái quả xanh đã làm giảm đáng kể chất lượng sản phẩm, kéo theo giá bán đã giảm tới 10-15% gây thiệt hại cho cả người trồng, người chế biến và doanh nghiệp tiêu thu sản phẩm. Tiến sĩ Dave A.D’Haeze của Công ty tư vấn cà phê E.D.E Consuling (Đức) cho hay, Việt Nam có sản lượng cà phê đứng thứ 2 thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng thứ 5. Đó là điều đáng lo ngại đối với chất lượng cà phê Việt Nam, cũng như đối với cà phê của Đắc Lắc và cả vùng Tây Nguyên.

Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta không thể chần chừ được nữa, phải nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường quốc tế. Để làm được việc đó, các cơ quan chức năng cùng với với các doanh nghiệp, các hộ nông dân phải thực hiện ngay các biến pháp đồng bộ, các khâu sản xuất: trước thu hoạch, trong thu hoạch và sau thu hoạch mới cải thiện được chất lượng sản phẩm cà phê. /.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường