Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Thiên đường” không dành cho nông dân trồng cà phê
11 | 04 | 2008
Niên vụ cà phê 2007-2008, có lúc giá cà phê vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg, mức cao nhất trong gần 15 năm qua. Nhiều người trồng cà phê có thu nhập cao, các doanh nghiệp cà phê lãi lớn. Vì vậy, một số doanh nghiệp cà phê có “máu mặt” đưa ra ý tưởng: xây dựng một “thiên đường”, “thánh địa” cà phê toàn cầu tại Đắc Lắc – “thủ phủ” cà phê của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn toàn cục, nếu có thực hiện xây dựng cái gọi là “thiên đường cà phê toàn cầu” đó thì hiện tại nó cũng không dành cho nông dân. Niên vụ cà phê 2007 – 2008, tuy mức giá cà phê nhảy vọt, nhưng đây cũng là năm người trồng cà phê ở Đắc Lắc phải chịu cảnh thất bát về mùa màng. Sản lượng cà phê vụ vừa qua của Đắc Lắc chỉ đạt khoảng 320.000 tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với niên vụ trước. Thêm vào đó, chi phí bình quân mỗi kg cà phê đã tăng lên xấp xỉ 25.000 đồng. Nhiều người đưa ra một phép so sánh: Nếu năm 1994, mỗi kg cà phê tương đương với khoảng 15 kg gạo thì hiện nay chỉ còn chưa đến 4 kg gạo loại ngon. Với kiểu canh tác sử dụng quá nhiều chất kích thích vô cơ để tìm cách tăng “nóng” năng suất trên đơn vị diện tích, hiện người dân ở Đắc Lắc đang canh tác cà phê theo kiểu bóc lột đất và vắt kiệt sức của cây cà phê khiến năng suất và chất lượng cà phê ngày càng đi xuống.

Trong tổng số hơn 179.000 ha cà phê của Đắc Lắc hiện nay chỉ có gần 50.000 ha được đảm bảo nguồn nước tưới từ các công trình thuỷ lợi, còn lại là người dân tự khoan giếng để tưới cà phê bằng nước ngầm hoặc bằng nguồn nước tự nhiên phập phù, rất dễ bị khô cạn nếu gặp hạn hán vào mùa khô. Theo cảnh báo, chỉ cần trời làm hạn nhỏ thôi thì sẽ có hơn 10.000 ha cà phê của Đắc Lắc bị mất mùa nặng. Quy trình kỹ thuật trong canh tác cà phê kém, không đảm bảo được tính bền vững… nên thường xuyên bị thiên tai, sâu bệnh đe doạ. Diện tích cà phê của các hộ cá thể ở Đắc Lắc hiện chiếm gần 80% diện tích cà phê toàn tỉnh, với hình thức canh tác, sơ chế, bảo quản là do các hộ tự thực hiện sơ sài. Từ đó dẫn đến việc giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn so với các nước khác. Tỉnh Đắc Lắc cũng đã có chủ trương chuyển đổi khoảng 40.000 ha cà phê trên các vùng đất không phù hợp hoặc thiếu nguồn tưới sang trồng cây khác, nhưng vẫn chưa thực thi được.

Giá cà phê cao hay thấp là do thị trường quyết định giữa cung và cầu. Năm nay do mất mùa, “cầu” vượt “cung” nên giá cà phê tăng vọt, nhưng không ai chắc được giá cà phê luôn ở mức cao. Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng cao thì hầu hết người trồng cà phê không được hưởng lợi, bởi trước đó họ đã phải bán cà phê non, cà phê giá rẻ hơn để trang trải cuộc sống và đầu tư cho vụ cà phê mới. Với thực tế như hiện nay, việc thực hiện ý tưởng xây dựng “thiên đường” hay “thánh địa” cà phê toàn cầu là điều còn quá xa vời. Hoặc nếu cố ép để làm thì cái “thiên đường” cũng không phải dành cho người trồng cà phê.

Nguồn: TTXVN

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường