Ký ức về một thiên đường phù vân
Hơn 10 năm trước (1993-1994), Tây Nguyên đã từng là một thiên đường cà phê. Đó là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam vừa bước qua thời kỳ ngăn sông cấm chợ gắt gao, khi bên kia đại dương, cà phê Brazil đại bại bởi sương giá. Giá cà phê cứ tăng vùn vụt: 20 triệu đồng, rồi 26 triệu đồng, thậm chí có lúc 40 triệu đồng/tấn cà phê nhân sống. Là nơi dẫn đầu toàn quốc về năng suất, cà phê thời kỳ đó ở Đắc Lắc có thể cho 4 tấn - 6 tấn nhân/1ha/1vụ, tương đương 35-40 lượng vàng vào thời giá ấy.
Giá trị cực lớn của cà phê khiến cho mọi thứ đều trở nên nhỏ bé. Những thứ xa xỉ như: nhà lầu, xe máy, đối với người trồng cà phê đều chỉ là “chuyện vặt”. Dân miền cao nguyên thời ấy sống “xả láng”, đến mức được người nơi khác gọi là “Việt kiều Tây Nguyên”. Điểm chung của nhiều “Việt kiều” này là mua gì cũng qui ra cà phê: Cái nhà này bằng mấy tấn cà phê, “con xe” này đáng mấy tạ cà phê…!
Tuy vậy, bắt đầu từ năm 1997-1999, giá cà phê rơi vùn vụt mà không tài nào hãm nổi, từ trên 30 triệu đồng/1tấn xuống còn 15 triệu đồng/1tấn. Còn say men thiên đường, người làm cà phê vẫn chưa cảm nhận được hiểm hoạ cận kề. Các doanh nghiệp, nông trường tiếp tục đi tìm kiếm đối tác. Nhiều nông hộ, tiểu thương, cũng dốc toàn bộ vốn liếng vào những vườn cà phê mới, hay đầu cơ cà phê nhân - chờ giá lên.
Năm 2000, khi cà phê Đắc Lắc đạt đỉnh điểm về diện tích, với hơn 264.000 ha, cũng là lúc giá cà phê rơi xuống vực thẳm. Có thời điểm, 1 kg cà phê quả tươi chỉ bán được với giá 1.200 đồng, bằng già nửa so với giá 1kg… cà pháo. Mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, nhiều người ngao ngán dời bỏ “thiên đường” vỡ nát, tìm đường về quê. Thời điểm này, có gia đình rao bán 1 ngôi nhà xây 80 m2, 4 sào cà phê, 2 sào ao, chỉ với giá 80 triệu đồng. Ngay cả các “anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” như Công ty 719, Công ty Cà phê Phước An cũng đều trong tình trạng nợ đầm đìa. Bây giờ cây cà phê lên hương, người ta vẫn ám ánh về sự phù vân của “thiên đường”.
Cùng đến một thiên đường
Tháng 7/2007, Đắk Lắk tổ chức một hội thảo lớn, với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà văn hoá, chính khách... Tâm điểm của hội thảo này là ý tưởng của Tổng Giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ: xây dựng một thiên đường cà phê Buôn Ma Thuột và biến nơi đây thành “thủ phủ cà phê toàn cầu”. Mục tiêu đầu tiên là tạo ra một thương hiệu cà phê quốc gia số 1 thế giới, xây dựng một ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê nhân theo hướng bền vững…
Với ý tưởng này, trong khoảng 25 năm, sẽ huy động tổng lực sức mạnh trong nước và cộng đồng quốc tế, để Buôn Ma Thuột có đủ sức thu hút hàng tỉ tín đồ của “tôn giáo cà phê”. Tại đây, bạn có thể tìm thấy mọi thứ: một bảo tàng cà phê, một viện nghiên cứu cà phê tầm cỡ, các loại quán cà phê với mọi phong cách thưởng thức cà phê trên thế giới… Ở đây, cà phê được thưởng thức trong một không gian văn hoá đặc trưng, giữa thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ... Sẽ có những khu du lịch phức hợp gồm: nghỉ dưỡng, spa, và đồn điền cà phê…đậm chất cao nguyên. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, “điều kiện cần” cho ý tưởng này đã sẵn có, chỉ còn thiếu “niềm tin” và “dám nghĩ lớn”!
“Niềm tin”, và sự “dám nghĩ lớn” của ông Vũ là điều đã được khẳng định. Nhưng ý tưởng của ông bị không ít người cho là…hoang đường! PGS-TS Phan Quốc Sủng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cà phê Ea Kmát, người gắn bó sâu sắc với cây cà phê ở Tây Nguyên, là một trong số đó. “Làm sao có thể thu hút hàng tỷ người dùng cà phê trên thế giới tới Buôn Ma Thuột?”.
PGS.TS Lê Ngọc Báu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cũng cho thấy đường đến thiên đường của cà phê Buôn Ma Thuột còn rất xa khi phân tích. “Hầu hết người trồng cà phê ở phê Tây Nguyên vi phạm nghiêm trọng quy trình canh tác (không có đai rừng chắn gió, cây che bóng, tưới thật nhiều nước, bón thật nhiều phân hoá học, sử dụng không hạn chế thuốc bảo vệ thực vật). Cách canh tác này đang “tra tấn” thiên nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước và đầu độc đất đai”.
Những phản biện kể trên quả có thuyết phục, song sự “dám nghĩ lớn” của Đặng Lê Nguyên Vũ dựa trên những cơ sở không hề hoang tưởng. Những ví dụ từ Công ty Cà phê Thắng Lợi (Đắc Lắc) đã cho thấy hầu hết các bất cập của cà phê Việt Nam, từ các vấn đề sinh thái trong canh tác đến quản lý chất lượng đều có thể giải quyết ổn thoả. Cà phê quả tươi hái về luôn đạt tỷ lệ chín đỏ xấp xỉ 100%. Sau khi chế biến, Thắng Lợi cho ra đời sản phẩm cà phê nhân sống hảo hạng, được khách hàng Mitsubishi (Nhật Bản) bao tiêu toàn bộ, với giá luôn cao hơn giá thị trường 80-100 USD/1 tấn. Nhưng, điều khá bất ngờ là ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Thắng Lợi lại là người “dị ứng” với chữ “thiên đường”, “Nói phét, làm gì có!” - ông Thái nói. Theo ông, điều thiết thân nhất đối với ngành cà phê hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất. Các nông hộ phải liên kết với nhau theo mô hình liên hộ, hay hợp tác xã, thống nhất một quy trình chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến… “Nếu không làm như vậy người trồng cà phê sẽ vẫn như trước đây, để số phận trôi nổi theo những rủi may của thị trường, nơi đang bị các nhà đầu cơ chi phối”.
Về phía tỉnh Đắk Lắk, tuy không dùng khái niệm “thiên đường cà phê”, nhưng tỉnh này đã xây dựng một đề án phát triển cà phê theo hướng bền vững đến năm 2020. Theo đó, sẽ phối hợp với các “nhà” áp dụng kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột… Mục tiêu là tăng thặng dư từ cà phê thêm khoảng 65 triệu USD so với hiện nay. Đồng thời, giải quyết hài hòa các mặt kinh tế - xã hội - môi trường của ngành sản xuất mũi nhọn này.
Tuy còn khác nhau về tầm nhìn, cách nhìn và cách làm nhưng tất cả đều thấy rõ tiềm năng, lợi thế cũng như những điểm yếu của ngành cà phê Việt Nam. Và biết đâu đấy, trong tương lai, họ lại cùng đến được một thiên đường có thật: Đó là sự thịnh vượng vững bền nhờ vào những thương hiệu mạnh cà phê Việt./.