Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cộng đồng doanh nghiệp gỗ kêu trời
23 | 04 | 2009
Trong khi hoạt động xuất - nhập khẩu sản phẩm gỗ tụt dốc không phanh kể từ quý IV/2008 do tác động của suy thoái kinh tế, thì Cảng Quy Nhơn "thình lình" gia tăng giá dịch vụ.

Xung đột lợi ích giữa cảng và cộng đồng doanh nghiệp gỗ đang là đề tài thời sự tại trung tâm công nghiệp gỗ lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Gỗ: Cảng đành quay lưng

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội sản xuất gỗ và lâm sản Bình Định (HHSXG&LSBĐ) - cho biết: "Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thế giới đang giảm mạnh. Sức ép giảm giá đè nặng lên vai DN. Đã qua rồi thời người ta tặc lưỡi cho qua 1 - 2USD cho một sản phẩm. Giờ, việc thương lượng bán hàng phải cò kè, cân nhắc từng cent một.

Để "giải cứu" ngành gỗ, Nhà nước phải áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khẩn cấp như dãn, hoãn thuế thu nhập DN, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại... Thế nhưng, một đối tác "môi hở răng lạnh" lâu năm như Cảng Quy Nhơn thì làm ngược lại. Họ tăng đột biến giá dịch vụ giữa lúc xăng dầu được điều chỉnh giảm".

Ông Huy dẫn chứng bằng Quyết định số 627/QĐ - CQN, có hiệu lực từ ngày 1.1.2009 - do Giám đốc Cảng Quy Nhơn Nguyễn Tín Dân ký: Chi phí lưu bãi tăng từ 150 đồng/m3/ngày lên 250 đồng, tức tăng 66,7%; nâng - hạ container tăng bình quân 10%; đảo hàng tại bãi tăng 10 - 11%; xếp dỡ, phần nhân công tăng 40% - từ 5.000 đồng/ người/giờ lên 7.000 đồng; phần thiết bị tăng 50% - từ 200.000 đồng/giờ/thiết bị lên 300.000 đồng... Đấy thực sự là một cú sốc. Chỉ riêng chi phí lưu bãi, DN phải còng lưng gánh thêm mỗi năm hàng tỉ đồng".

Một loại phí khác mà ông Huy cho là "lạm thu": Khoản phụ thu "đóng" lên mặt hàng gỗ có khối lượng dưới 1m3/cây. Thông thường 1m3 gỗ - để chuyển từ hầm tàu về cơ sở sản xuất - phải nộp phí dịch vụ cảng 53.000 đồng qua ba lần trung chuyển. Với gỗ dưới 1m3/cây, cảng buộc nộp thêm 30% - tức 15.900 đồng - nâng giá dịch vụ chỉ riêng công đoạn này lên tới 68.900 đồng/m3.

"Sản xuất mặt hàng bàn ghế ngoài trời, DN chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng như tràm, bạch đàn, teak, "bói" đâu ra loại gỗ trên 1m3/cây. Khả năng chịu đựng của chúng tôi đã cạn kiệt"- ông Huy than thở.  Theo HHSXG&LSBĐ, bằng hành động đơn phương trên, Cảng Quy Nhơn đã quay lưng lại với nỗ lực của địa phương về việc thiết lập một chợ gỗ mang tầm vóc khu vực, đặt ngay trên mặt bằng cảng, phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ cho 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Cảng: "Phải tăng, nhưng sẽ tạm điều chỉnh"

Tiếp xúc với PV Lao Động, ông Nguyễn Tín Dân - Giám đốc Cảng Quy Nhơn - "phản pháo": "Điều chỉnh tăng giá dịch vụ  là lựa chọn bất khả kháng. Cảng cũng là DN , chúng tôi đang vấp phải hàng loạt khó khăn: Tiền lương, tiền bảo hiểm, chi phí thiết bị tăng.
 
Đơn giản như chiếc lốp xe, giá cũng tăng tới 20%". Giống HHSXG&LSBĐ, ông Dân làm phép so sánh, nhưng để chứng minh chính cảng Quy Nhơn mới là "thiên đường giá rẻ" cho các nhà xuất - nhập khẩu: "Phí lưu bãi, nếu chúng tôi chỉ thu 250 đồng/m3/ngày, thì ở cảng Đà Nẵng là 400 đồng và Sài Gòn 600 đồng; phí bốc xếp từ tàu lên bãi: Quy Nhơn 22.000 đồng/m3, Sài Gòn 24.200 đồng".

Dù nói phí dịch vụ cảng biển chẳng thấm vào đâu so với giá thành hàng trăm USD/1 sản phẩm gỗ, ông Dân cuối cùng cũng cho hay, sẽ giảm giá (sau khi đã tăng) từ 1.5 - 1.10 cho các DN gỗ, như là cách tạm thời chia sẻ gánh nặng với khách hàng. Cụ thể: Phí lưu bãi giảm 20% - từ 250 đồng xuống còn 200 đồng/m3/ngày; vận chuyển trong cảng giảm 20%, nâng - hạ container giảm 10%...

Theo tìm hiểu của PV, việc giảm giá trên không phải là "hành động tự giác" của Cảng Quy Nhơn, mà xuất phát từ áp lực do UBND tỉnh dội xuống. Mức giảm ấy cũng thấp hơn nhiều so với "mục tiêu đấu tranh" của HHSXG&LSBĐ. Chiều 22.4, trả lời Báo Lao Động, một thành viên HH tuyên bố sẽ tiếp tục tác động để tiến tới khung giá khả dĩ chấp nhận cho cả hai, "nhất là với các khoản phụ thu bất hợp lý".



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường