Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gỗ Việt Nam: Khó khăn còn ở phía trước
25 | 12 | 2008
Chế biến gỗ có chạm khắc nâng cao giá trị sản phẩm tại Công ty TNHH Tân Thành ở Bình Dương Lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã không còn cảnh tăng trưởng nóng với con số hàng chục phần trăm qua từng năm.

Không còn tăng trưởng nóng

Liên tiếp nhiều năm qua, xuất khẩu đồ gỗ cả nước được liệt vào mặt hàng tăng trưởng nóng nhưng từ cuối năm 2007 tới nay, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những khó khăn ở trong nước như thiếu vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng cao, chi phí đầu vào gia tăng mạnh… đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores), cho biết kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ dự kiến trong năm nay 3 tỉ đô la Mỹ nhưng 11 tháng đầu năm mới đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ. Với tình hình như hiện nay, rất khó lòng đạt chỉ tiêu nói trên khi mà xuất khẩu gỗ của tháng 11 chỉ có 250 triệu đô la Mỹ.

Do vậy, ông Quyền dự báo cả năm nay xuất khẩu đồ gỗ chỉ có thể đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ và xem như đây là năm đầu tiên trong vòng 8 năm qua, xuất khẩu đồ gỗ không còn vượt xa chỉ tiêu như mọi năm.

Trong khi các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu gỗ luôn đạt con số 30% trở lên, thậm chí có năm đạt hơn 50%, nhưng năm nay, với 2,8 tỉ đô la Mỹ mà ông Quyền dự đoán, tăng trưởng chỉ còn 16%.

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ và đây cũng là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng của đồ gỗ Việt Nam. Ông Quyền dẫn lời các tổ chức quốc tế khi cho rằng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của người Mỹ và các nước EU năm nay giảm đến 30%, do đó kéo theo sự giảm sút về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Bên ngoài thì khó khăn, còn ở trong nước thì năm nay Chính phủ tập trung nỗ lực để kìm chế lạm phát trong hơn 9 tháng đầu năm và tìm cách giảm nhập siêu. Ông Quyền cho biết đều này hoàn toàn đúng với quy mô quốc gia nhưng đối với một ngành sản xuất cụ thể như ngành gỗ mà nguồn nguyên liệu chủ yếu dựa vào nhập khẩu thì quả là một khó khăn.

Với giá đầu ra của sản phẩm gần như không thay đổi, thậm chí giảm thì đầu vào (chi phí) là những con số biến đổi theo chiều hướng tăng như là một nghịch lý mà chỉ có ở Việt Nam. Lợi nhuận bình quân của sản phẩm gỗ xuất khẩu tối đa cũng chỉ được 10%, trong khi các yếu tố đầu vào tác động đến giá thành đồ gỗ lại tăng bình quân 18% - 20% là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Trong hơn nửa đầu năm nay, giá dầu tăng có lúc lên tới 147 đô la Mỹ/thùng dẫn đến giá vận chuyển nguyên liệu gỗ tăng rất cao, như gỗ nguyên liệu mua ở Nam Phi đưa về Việt Nam thì giá cước vận tải chiếm 27% giá thành gỗ, từ Nam Mỹ về Việt Nam là 37% và từ khu vực nam Thái Bình Dương là 45%. “Trước tình hình khó khăn như vậy, các doanh nghiệp gỗ đã gồng mình để vượt qua, nhưng cũng không tránh khỏi một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thậm chí thu lỗ, phá sản”, ông nói.

Phía trước vẫn là khó khăn

Bước sang năm 2009, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn mới, thách thức mới mà theo ông Quyền, còn lớn hơn cả năm nay.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ đang bị thu hẹp, đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm 30-35%, có những hợp đồng đã ký có thể bị trì hoãn nhận hàng hoặc dừng hẳn do khá khăn của nhà nhập khẩu, thị trường tiêu thụ giảm sút.

Ông Quyền cảnh báo có thể xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam không có tiền trả cho nhà xuất khẩu sau khi nhận được hàng như trước đây, vì ngân hàng thương mại ở nước ngoài thắt chặt tín dụng khiến cho các nhà nhập khẩu không vay được tiền để thanh toán hàng nhập.

Đó là chưa kể do thiếu đơn hàng cùng với khó khăn về tài chính nên việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong năm nay tồn trữ cho chế biến năm tới, cũng sẽ tác động mạnh tới khả năng chế biến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong năm 2009. Dù hiện tại, các ngân hàng thương mại đã cắt giảm lãi suất cho vay vốn nhưng ông Quyền cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ về nguyên tắc vẫn chưa vay được ngoại tệ chi tiêu cho các khoản chi phí trong nước.

Không chỉ khó khăn về thị trường xuất khẩu hay trong nội bộ sản xuất của nhà máy mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với các quy định mới của các thị trường lớn về đồ gỗ. “Xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn”, ông Quyền nói.

Đạo luật Lacey của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay và đầu năm sau cũng thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ mà có doanh nghiệp nói vui là “cán dao làm bằng gỗ nhập vào Mỹ cũng bị kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu”.

Tại EU, theo hiệp định “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT), tất cả các chuyến hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường này sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc.

Từ nhận định của mình, Vietfores dự kiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2009 chỉ đạt từ 8-10%, đây là con số tăng trưởng thấp chưa từng thấy trong vòng mười năm qua của công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Vẫn duy trì lạc quan

Ông Nguyễn Minh Tân, thành viên Hội đồng quản trị Công ty chế biến gỗ Tân Thành, Bình Dương, đồng tình với nhận định của Vietfores và cho biết, năm nay tiêu thụ gỗ đã chậm thì tình hình tiêu thụ đồ gỗ năm tới sẽ chậm hơn. Để giảm bớt khó khăn, ông Tân cho biết công ty Tân Thành đã lập dự án trồng hàng trăm héc ta tràm bông vàng ở Lâm Đồng để tính kế lâu dài, bớt phụ thuộc vào gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Hàng năm công ty Tân Thanh phải nhập khẩu 12.000 mét khối gỗ nguyên liệu từ nước ngoại mà ông Tân cho là nếu chủ động được phần nào nguyên liệu trong nước, cũng là cách giảm thiểu khó khăn do việc nhập khẩu phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới rất khó lường.

Ông Đào Kế Nho, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Khải Vy ở TPHCM thì cho rằng tuy khó khăn nhưng “vẫn có cơ hội chứ không tới mức quá bi quan”. Theo ông Nho, đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ của các doanh nghiêp trong nước giảm 10-20% trong năm tới, trong đó hàng đồ gỗ trong nhà (indoor) giảm nhiều còn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) cũng giảm nhưng ít hơn.

“Thế nhưng cái may của đồ gỗ là nhờ mua bán, đặt hàng theo mùa, theo thời điểm. Chẳng hạn hàng đồ gỗ ngoài trời cho năm tới thì hiện nay đã ký hợp đồng, đã có đơn đặt hàng hết cả rồi, còn mùa đặt hàng gỗ ngoài trời năm tới thì vào cuối năm 2009 cho thời gian giao hàng vào năm 2010, hy vọng lúc đó suy thoái kinh tế sẽ kết thúc”, ông Nho lạc quan.

Thậm chí ông Nho phân tích rằng, hàng đồ gỗ trong nhà thì đặt hàng quanh năm nên bị ảnh hưởng nhưng trong khó khăn cũng có cái lợi là người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu, bớt đi du lịch mà ở nhà nhiều hơn, có nghĩa sẽ dùng nhiều hơn đồ gỗ trong nhà và đồ gỗ sân vườn



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường