Theo đó, thị phần của Việt Nam trong thị trường toàn cầu đã tăng lên 0,78% trong năm 2005, vượt hơn thị phần 0,54% của Philippines. Trên thị trường đồ gỗ thế giới, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp nội thất đứng đầu với 11,9% thị phần. Malaysia, Indonesia và Thái Lan xếp các vị trị tiếp theo. Việt Nam được các nước đánh giá là một đối thủ mới nổi đầy tiềm năng nhờ chi phí sản xuất rẻ và nhân lực dồi dao và trình độ khá.
Những năm qua, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng vượt cả dự kiến. Theo kế hoạch, năm 2005 có thể đạt 600 triệu USD và tới năm 2010 đạt 1,2 tỷ USD. Nhưng thực tế đến năm 2005, cả nước đã xuất 1,517 tỷ USD, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây là gần 40%.
Dự báo trong những năm tới, xuất khẩu đồ gỗ còn cơ hội tăng trưởng rất cao. Mục tiêu xuất khẩu mặt hàng này năm 2006 là kim ngạch tăng 38,4%, tăng kim ngạch 600 triệu USD so với năm 2005.
Trong đề án xuất khẩu 2006 - 2010 đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đặt ra cho mặt hàng này là đến năm 2010 xuất khẩu đạt giá trị 5,5 tỷ USD, tăng bình quân 28,9%/năm. Thị trường xuất khẩu cho mặt hàng được hướng vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU (Pháp, Đức), xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng có những khả năng tăng trưởng cao trong những năm tới do Việt Nam có nhiều lợi thế về giá nhân công rẻ và thuế xuất nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ thấp.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năng lực chế biến và khả năng cung ứng sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu của các doanh nghiệp đang được nâng lên rõ rệt. Khác với tình trạng hoạt động manh mún rời rạc trước đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước đã có xu hướng hợp tác với nhau để giữ vững thị trường, đáp ứng những đơn hàng lớn từ phía bạn hàng quốc tế.
Một điển hình cho sự liên kết này là Cụm công nghiệp gỗ Phú Tài ở Bình Định với gần 60 doanh nghiệp đang cùng hợp tác để sản xuất kinh doanh. Hiện nay, cả nước đã có gần 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực về vốn đã hình thành nên các tập đoàn chế biến gỗ xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Khải Vi, Công ty cổ phần Savimex, Công ty TNHH Trường Thanh thành phố Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, khó khăn cơ bản của ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ vẫn là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn còn hạn chế. Để khắc phục nhược điểm này, việc xúc tiến thành lập 3 trung tâm chuyên nhập khẩu gỗ ở 3 miền đất nước đang được khẩn trương triển khai. Trước mắt một trung tâm ở phía Bắc sẽ sớm ra đời. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các lâm trường, các chủ rừng với các công ty chế biến gỗ trong nước sẽ là cơ sở bảo đảm quan trọng cho sự phát triển của ngành sản xuất đồ gỗ trong những năm tới.